Công nghệ làm gạch không nung từ... đất sét

Dân trí Trước yêu cầu đổi mới công nghệ và sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng không nung, thạc sĩ Phạm Tuấn Nhi đến từ Viện Địa lý tài nguyên thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu không nung theo phương pháp đùn ép cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Công nghệ làm gạch không nung từ đất sét

Việc sử dụng gạch nung truyền thống như trước đây đang kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế và môi trường. Việc gia tăng sản xuất gạch nung làm cho diện tích canh tác giảm đi. Bên cạnh đó, việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như than và củi đốt để phục vụ cho quá trình sản xuất gạch đang gây ra tình trạng ô nhiễm nặng nề ở nhiều địa phương trên cả nước.

Việc đổi mới công nghệ và sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng không nung đang là việc làm hết sức cấp thiết đối với các địa phương trong cả nước. Đáp ứng nhu cầu này, Thạc sĩ Phạm Tuấn Nhi đến từ Viện Địa lý tài nguyên thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu không nung theo phương pháp đùn ép cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

 Thạc sĩ Phạm Tuấn Nhi- Tác giả giải pháp công nghệ làm gạch không nung từ đất sét

Thạc sĩ Phạm Tuấn Nhi- Tác giả giải pháp công nghệ làm gạch không nung từ đất sét

Công nghệ sản xuất gạch không nung của tác giả cũng giống như quy trình sản xuất gạch tuynel truyền thống nhưng không qua công đoạn nung bao gồm 4 công đoạn: Phối trộn phụ gia, tạo hình bằng máy đùn ép, lưu hóa, phơi. Nguyên liệu để tạo nên sản phẩm này chủ yếu là các loại phế thải công nghiệp, phế thải gốm, Meta cao lanh…là những nguyên liệu có sẵn ở các địa phương.

Điểm mấu chốt của công nghệ này đó là các nguyên liệu được nghiền mịn sau đó được định lượng và phối liệu với phụ gia. Gạch sẽ được tạo hình bằng phương pháp đùn ép dẻo kết hợp với hút chân không. Sản phẩm sẽ được hóa cứng nhanh ở nhiệt độ thường.

Theo Thạc sĩ Phạm Tuấn Nhi, ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu của các doanh nghiệp sản xuất gạch.

Sở dĩ nói vậy là do hiện tại đa số các doanh nghiệp sản xuất gạch nung truyền thống bằng công nghệ đùn hút chân không. Khi người ta không sản xuất gạch nung nữa mà chuyển qua sản xuất gạch không nung thì bắt buộc phải mua máy móc thiết bị mới phù hợp với quy trình sản xuất công nghệ. Tuy nhiên đối với giải pháp công nghệ làm gạch không nung từ đất sét thì chỉ cần tiếp cận công nghệ và sử dụng công nghệ này trên hệ thống hiện có thì vẫn có thể sản xuất được gạch không nung.

Bên cạnh đó nó tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Đối với dòng gạch không nung truyền thống thì nó là cát, đá, xi măng còn ở công nghệ này có thể dùng đất đồi, đất tạp chất pha sét, đất pha cát, cát pha đất… Điều này có nghĩa, chỗ nào gạch xi măng không làm được thì gạch không nung từ đất sét làm được. Đặc biệt là sản xuất theo phương pháp này rất thân thiện với môi trường.

Câu hỏi đặt ra: Đầu vào là các nguyên liệu khác nhau thì các thông số đầu ra của viên gạch có khác nhau?

“Đối với công nghệ này không có sự hiện diện của xi măng nhưng sự hiện diện của khoáng sét là vai trò quyết định. Nghĩa là, trong đất có một lượng sét nhất định và người ta đưa phụ gia vào và biến chất sét đó thành chất kết dính. Trong một sản phẩm thì gồm chất kết dính và cốt liệu. Ở phương pháp này chất kết dính là đất sét và chỉ yêu cầu sự hiện diện của nó là khoảng 20% trong nguyên liệu. Chính vì thế các viên gạch với các cốt liệu khác nhau đều có chất lượng tương đương”- Thạc sĩ Nhi nói.

Được biết, cạch không nung của tác giả có giá thành chỉ bằng 1/3 so với các loại gạch thường, trọng lượng nhẹ hơn từ 2 đến 3 lần mà không làm mất tính năng vững chắc của gạch.

Hiện tại, công nghệ sản xuất gạch không nung đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển theo hướng thân thiện với môi trường bởi tận dụng được nguồn nguyên liệu địa phương với quy trình đơn giản, dây chuyền thiết bị đồng bộ trong nước, giá thành sản xuất rẻ và đầu tư thấp. Đây cũng chính là những điều kiện thuận lợi để gạch không nung sẽ được thương mại hóa nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Nguyễn Hùng - Hoàng Công

Tag :vật liệu xây dựng, Nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ thường, chất kết dính

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget