Dân trí Nhiều quảng cáo "viên giải rượu" giới thiệu rằng nhờ nó sẽ có thể uống rượu bia mà không "xỉn". Vậy thật hư tác dụng của viên giải rượu như thế nào?
Chất gây say chính là rượu etylic (ethanol)
Phải khẳng định rằng, tất cả các loại bia, rượu, nước giải khát có cồn, rượu nếp truyền thống, cuốc lủi, rượu thuốc.v.v….đều là sản phẩm có chứa rượu etylic tên khoa học là ethanol. Các thành phần khác trong rượu sẽ tạo ra màu sắc, hương thơm, mùi vị …đặc trưng cho từng loại rượu.
“Độ rượu” được đánh giá theo nồng độ của rượu ethanol (tính bằng gam) trong 100 ml thức uống. Ví dụ: rượu nặng (whisky hay cognac) 40 độ tức có 40 gam rượu ethanol trong 100ml rượu. Và vì rượu nhẹ hơn nước cho nên cồn tuyệt đối 100% là ethanol (absolute) cũng chỉ có 96 độ mà thôi.
Rượu được chuyển hóa như thế nào?
Ở cơ thể bình thường, rượu uống vào được hấp thu rất nhanh 20 - 30 phút qua đường tiêu hóa, trong 20-50 phút, 20% tại dạ dày và 80% tại ruột non. Sau khi hấp thu, rượu được phân phối nhanh vào các tổ chức và dịch của cơ thể . Nồng độ rượu trong tổ chức tương đương với nồng độ trong máu.
Khoảng 10% rượu được thải ra ngoài qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. Và đến 90% còn lại được hấp thu và chuyển hóa tại gan qua hai giai đoạn: Đầu tiên, rượu được chuyển hóa thành aldehyde acetic (acetalhehyde) nhờ hệ thống enzyme alcohol dehydrogenase (ADH). Sau đó các acetaldehyde nhanh chóng được ôxy hóa nhờ enzyme aldehyde dehydrogenase (ALDG) để chuyển thành acetate. Các gốc acetate sau đó kết hợp với Coenzyme A thành acetyl CoA để đi vào chu trình Krebs. Cuối cùng qua chu trình Krebs các acetyl CoA được oxy hóa thành carbonic, nước và năng lượng ATP. Quá trình giáng hóa rượu ethanol này sẽ giải phóng ra các gốc ôxy tự do hoạt động (reactive oxygen species-ROS) gây độc tế bào cơ thể.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, người khỏe mạnh cứ 1kg thể trọng có thể sử dụng 1 gam rượu ethanol chia đều ra cho mỗi một ngày. Nghĩa là, ở người lớn khỏe mạnh, gan có khả năng chuyển hóa từ 7 -10g rượu ethanol, tương đương khoảng 1 vại bia hay 1 ly rượu, mỗi giờ.
Người uống rượu thường xuyên sẽ có sự cảm ứng (induction) làm tăng hoạt hệ thống enzyme chuyển hóa rượu lên cả chục lần. Điều này giải thích tại sao người nghiện thường có khả năng chịu đựng cao, “đô cao”, hơn người ít uống thường xuyên. Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng một lượng lớn rượu ethanol sẽ kích hoạt hai enzyme khác tham gia vào quá trình chuyển acetaldehyde thành acetate là xanthinoxidase và aldehydoxidase cũng làm tăng thêm các gốc tự do gây độc.
Tại các mô ngoài gan khác, quá trình này không mạnh mẽ nên ứ đọng lại nhiều andehyde, phải một thời gian dài mới chuyển thành axit acetic, lúc đó người ta hết xỉn say.
Sáu giai đoạn say rượu
Theo nồng độ cồn trong máu (blood alcohol concentration, BAC) có 6 giai đoạn say rượu sau:
1. Hưng phấn BAC: 0,03-0,12%: tự tin hơn, tập trung giảm, ít chú ý , mặt đỏ ửng, nói thiếu suy xét, kém khéo léo như viết, ký tên…
2. Kích động BAC: 0,09-0,25%: kém ghi nhớ, phản ứng chậm, mất thăng bằng, nhìn mờ ảo, nghe, nếm kém…
3. Lúng túng BAC: 0,18-0,30%: không biết mình là ai, đang làm gì, hoa mắt, chóng mặt, đi đứng lảo đảo, cảm xúc cực đoan, buồn ngủ, nói không mạch lạc, câu chữ líu nhíu, lè nhè
4. Sững sờ BAC: 0,25-0,4%: không thể đi, đứng, lơ mơ, ói mửa
5. Bất tỉnh BAC: 0,35-0,50%: mất ý thức, mất phản xạ, thở chậm, nhịp tim chậm, hạ thân nhiệt
6. Tử vong BAC: > 0,50%
Thời gian là phương cách duy nhất giúp loại bỏ rượu ra khỏi cơ thể, vì vậy tắm vòi sen lạnh hoặc dùng cà phê sau khi uống rượu cũng sẽ không thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo.
Trong dân gian có câu ví: Một xị: tiêu sầu; Hai xị: mũi chảy đầy râu; Ba xị: bạ đâu tè đó; Bốn xị: cho “chó ăn chè”; Năm xị: chẹt bẹt, chè bè và Sau xị: gọi xe cấp cứu.
Những cách làm chậm, giảm say
* Giảm tốc độ hấp thu rượu vào máu bằng thức ăn. Rượu hấp thu nhanh hay chậm tùy thuộc vào độ trống của dạ dày. Càng đói thì tốc độ hấp thu của rượu càng nhanh hơn, làm mau say hơn lúc no bụng. Do đó, ăn nhanh trước khi uống, “đổ bê tông”, nhất là thức ăn có dầu mỡ, sẽ làm tăng lượng enzyme chuyển hóa và giảm hấp rượu nên làm chậm say hơn.
* Việc giảm tốc độ uống để cho gan kịp chuyển hóa rượu. Người miền Tây uống rượu từ sáng đến tối, nhưng uống xoay chừng rượu nhẹ , ly nhỏ, “chữa lửa” với nhiều trà đá nên cũng…lâu say hơn.
* Tăng lượng rượu thoát ra theo đường hô hấp: Thường khoảng 10% rượu được thở ra ngoài. Thở sâu, ca hát, nói nhiều... cũng làm giảm nồng độ cồn trong máu.
* Dùng những món ăn giúp làm chậm nhu động ruột, làm giảm tốc độ hấp thu như canh chua, cay, dưa muối, nước chanh..
* Một số loại thuốc dạng keo tráng dạ dày để uống rượu cho lâu say như phosphalugel, kremil-s, maalox... cũng ít nhiều làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Không có thuốc giải được rượu
Ngoài kích thích gây hưng phấn nói nhiều, “rượu vào lời ra”, bia rượu còn làm lợi tiểu gây mất nước. Tính trung bình uống 1 chén nhỏ rượu 35-40 độ, cơ thể chúng ta sẽ thải mất từ 100-150ml nước, do đó, cần phải uống nhiều nước để bổ sung.
Để tăng thải độc rượu, cần uống nước hoặc ăn các loại thực phẩm chế biến từ đỗ xanh, uống nước chanh, ăn nhiều rau quả, đặc biệt là củ cải trắng…
Hiện nay, trên hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc được giới thiệu là viên “giải rượu” thường có thành phần chủ yếu gồm đường glucose, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic. Thực chất, đây là các chất hỗ trợ dạng thực phẩm chức năng giúp làm nhanh quá trình chuyển hóa rượu. Chưa có tài liệu dược học nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu làm tổn hại là gan hoặc triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi trạng thái "xỉn".
Trong y học, một loại thuốc có tác dụng ngược lại với loại khác được gọi là chất đối kháng, giải độc (antidote). Ví dụ đối kháng với các axít là các chất kiềm, chất đối kháng, chất giải độc với thuốc trừ sâu phospho hữu cơ là atropin và PAM, chất giải độc với kim loại nặng là EDTA và BAL, và chất đối kháng với ethanol là tinh chất cafein chiết từ hạt cà phê. Nhưng tác dụng của cafein cũng hạn chế, và thuốc chỉ dùng ở các cơ sở y tế chứ không thể dùng tràn lan tại nhà.
Thay lời kết
Uống rượu “đúng điệu” có nhiều cái lợi: (1) Đúng lễ nghi truyền thống vì “vô tửu bất thành lễ”. Lễ, Tết, liên hoan, hội hè không thể thiếu chất thăng hoa này; (2) Chất xúc tác văn hóa cho thi ca, văn học. Hai ông tổ lưu linh Bacchus và Dionysus được suy tôn là những vị thần và (3) Tạo ngon miệng, cho năng lượng và tăng cường sức khỏe. Y học chứng minh rằng người cao tuổi uống rượu vang đúng mực sẽ giảm tệnh tim mạch, chuyển hóa, thần kinh.. Nhưng mặt trái của bia rượu thì quá vô cùng: tai nạn giao thông, bạo lực, nghiện ngập, rối loạn tâm thần…..
Cần nhớ rằng, không có một "thần dược" nào giúp cho con người uống rượu không say. Vả lại, “thái quá sinh bất cập”, uống thật nhiều rượu hơn nhu cầu phải đối đầu ba nguy cơ to lớn: (1) lãng phí, tốn tiền; (2) say xỉn với nhiều hệ lụy đặc biệt là tai nạn giao thông, bạo lực và (3) độc hại, gây bệnh cho gan, não, thần kinh…
Theo tôi, bia rượu hại hay không là do cách uống và tốt nhất là phải “làm chủ” cuộc chơi, uống vừa, uống đúng thay vì uống thuốc giải rượu để tăng "đô" rồi nhậu vô tội vạ vào: vừa mất tiền, phí sức lại chuốc họa vào thân.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam
Đăng nhận xét