Dân trí Khi đến một quán ăn, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm đặt tại Đà Nẵng, để biết thực phẩm tại đây có an toàn, mọi khách hàng có thể kiểm tra rất nhanh bằng cách nhắn tin, tra cứu qua zalo, SMS.
Chiều 30/11, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức họp báo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2016, công bố danh sách 3.379 cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn.
Đặc biệt, để biết cơ sở kinh doanh đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và để phản ánh, góp ý về an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân có thể gọi đường dây nóng (0511) 1022. Hoặc tra cứu qua tin nhắn SMS với cú pháp: Soạn ATTP [Tên cơ sở]; [Địa chỉ] hoặc ATTP [Địa chỉ] gửi đến 8188 (giá cước: 1.500 đồng/SMS) để biết cơ sở kinh doanh đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoặc tra cứu qua Zalo: vào tongdai1022danang, chọn “quan tâm” vào “gửi tin nhắn”, chọn “An toàn VSTP” để biết cơ sở kinh doanh đạt chuẩn ATVSTP hay không.
UBND TP Đà Nẵng cũng chính thức công bố duyệt Đề án “Quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 với mục tiêu quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai, hệ thống kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, đề án với tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2017 - 2020 là 186 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, quận, huyện và huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, cá nhân, nước ngoài đối với các hoạt động ATTP.
Đề án đề ra 6 mục tiêu cụ thể đó là: Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp; 100% cán bộ làm công tác ATTP cấp thành phố, quận, huyện, phường, xã được cập nhật kiến thức về quản lý, chuyên môn kỹ thuật về ATTP; hình thành mạng lưới giám sát, cảnh báo nhanh đối với thức ăn chăn nuôi và thực phẩm ở các cấp, các ngành; tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng ATTP.
Từ năm 2017 trở đi, 100% người quản lý, 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và 100% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.
UBND TP Đà Nẵng cũng công bố quyết định quản lý an toàn thực phẩm đối với nông lâm thủy sản đã qua chế biến không ba gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại TP Đà Nẵng.
Theo quy định, các chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển nhập sản phẩm rau, trái cây và thủy sản vào tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng phải thực hiện theo các quy định về cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; chấp hành việc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ; tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về hàng hóa kinh doanh.
Thủy sản khai thác nhập vào cảng cá trên địa bàn thành phố, chủ tàu cá trước khi đưa thủy sản lên cảng cá để tiêu thụ phải thực hiện các quy định như khai báo về nguồn gốc, xuất xứ thủy sản khai thác.
Chủ tàu cá phải xuất trình sổ nhật ký khai thác thủy sản cho Ban quản lý chợ (Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang) trước khi đưa thủy sản lên cảng cá để tiêu thụ. Nếu không có sổ nhật ký khai thác thuỷ sản thì chủ tàu phải thực hiện khai báo nguồn gốc, xuất xứ thuỷ sản khai thác theo biểu mẫu. Chấp hành việc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và hợp tác với đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu. Tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về chất lượng thủy sản khai thác.
Khánh Hồng
Đăng nhận xét