Dân trí Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phân tích, việc thực hiện quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện” hiện vẫn còn khó khăn…
>> Còn hơn 1 tháng để người dân đăng ký sang tên đối với xe qua nhiều đời chủ
>> Từ 2017, phạt người đi xe máy không sang tên đổi chủ
Một vấn đề được báo chí nêu ra với người phát ngôn Chính phủ là về việc dư luận đang “mổ xẻ”, phân tích nhiều về thông báo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) từ năm 2017 sẽ phạt người đi xe mô tô, xe gắn máy không tiến hành sang tên đổi chủ, cho rằng việc làm này thiếu tính khả thi và khó thực hiện trong thực tế.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích, việc quy định hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ luật Dân sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) và các quy định khác của pháp luật có liên quan, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu phương tiện đó.
Việc quy định xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện hiện nay mới chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và trong công tác đăng ký xe. Khi xe đang tham gia giao thông, lực lượng CSGT không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
“Tuy nhiên, việc thực hiện quy định nêu trên hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Chính phủ đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền tạo hiệu ứng dư luận xã hội, ủng hộ việc thực hiện chủ trương này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông và tuân thủ quy định của pháp luật” – ông Mai Tiến Dũng nói.
P.Thảo
Đăng nhận xét