Những điểm nhấn của ngành ô tô trong năm 2016

Dân trí Năm 2016 đã khép lại với những thay đổi lớn liên quan đến ngành công nghiệp và thị trường ô tô, xe máy Việt Nam, cùng một số quy định giao thông mới...

Hãy cùng Báo Dân trí điểm lại 10 sự kiện, vấn đề nổi bật nhất liên quan đến lĩnh vực ô tô, xe máy tại Việt Nam trong năm qua.

1. "Cuộc chiến" nhập khẩu ô tô

Sở dĩ vấn đề này được khơi lại, trở thành đề tài "nóng" trong năm qua là bởi Thông tư 20/2011/TT-BCT, quy định việc nhập khẩu ô tô phải có giấy uỷ quyền chính hãng, hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016. Mỗi hãng xe chỉ cấp duy nhất một giấy uỷ quyền nhập khẩu chính hãng ở mỗi nước, nên Thông tư này ra đời cách đây 5 năm được coi là dấu chấm hết cho hoạt động nhập khẩu ô tô tự do.

Nhân việc Thông tư 20 hết hiệu lực trong năm 2016, các nhà nhập khẩu không chính hãng đã "chạy ngược xuôi" kêu gọi bỏ quy định về giấy uỷ quyền chính hãng, cởi trói cho hoạt động nhập khẩu ô tô, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, tránh tình trạng độc quyền trong hoạt động phân phối xe hơi.

Tuy nhiên, đã gần nửa năm trôi qua mà vẫn chưa có văn bản nào ra đời, thay thế Thông tư 20; và "hai phe" sẽ tiếp tục cuộc chiến này trong năm 2017, với lợi thế có phần nghiêng về các nhà nhập khẩu đang nắm giấy uỷ quyền chính hãng. Các bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Công thương và Khoa học Công nghệ (KHCN) đang soạn thảo những văn bản cụ thể hơn về nhập khẩu, quy định nhà xưởng, sở hữu trí tuệ (liên quan đến máy móc, phần mềm làm dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng)...

Ngoài ra, hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đã chính thức được đưa vào vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

2. Quy định xử phạt vi phạm giao thông mới

Từ ngày 1/8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã chính thức thay thế Nghị Định 171/2013 và Nghị Định 107/2014, với nhiều điểm mới trong quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, như tăng mạnh mức xử phạt đối với các hành vi như: vượt đèn vàng, chạy quá tốc độ, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, lái xe không chấp hành tín hiệu giao thông, gây tai nạn nhưng không dừng xe...

Ngoại trừ việc xử phạt hành vi lái xe ô tô vượt đèn vàng gây nhiều tranh cãi, chủ yếu là ý kiến phản đối, vì không hợp lý; còn lại, hầu hết các quy định xử phạt mới trong Nghị định 46 đều được người dân ủng hộ vì hướng tới một môi trường giao thông an toàn và kỷ cương hơn.

3. Quy chuẩn biển báo, vạch kẻ đường mới

Cùng với Luật giao thông đường bộ 2008, Thông tư 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, bộ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (ban hành kèm thông tư Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT) là kim chỉ nam cho mọi hoạt động liên quan đến vận tải đường bộ tại Việt Nam vào thời điểm này.

Bộ quy chuẩn có một số điểm mới cần lưu ý, như quy định biển cấm rẽ không có giá trị cấm quay đầu xe, quy định rõ về hành vi vượt phải...

4. Thay đổi thuế Tiêu thụ đặc biệt

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của thuế TTĐB đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2016; theo đó, duy nhất dòng xe có dung tích dưới 1.500cc được giảm thuế suất thuế TTĐB; các dòng xe còn lại giữ nguyên hoặc tăng thuế suất. Cụ thể như sau:

Với sự thay đổi thuế như vậy, giá bán của các mẫu xe cỡ nhỏ đã giảm nhẹ sau ngày 1/7/2017, trong khi nhiều mẫu xe sang lại tăng giá đến cả trăm triệu, thậm chí vài chục tỷ đồng, như mẫu Rolls-Royce Phantom Đông A tăng giá gần 30 tỷ đồng lên 83,8 tỷ đồng.

5. Đổi GPLX sang vật liệu PET

Theo Thông tư 58/TT-BGTVT ngày 20/10/2015, GPLX ô tô và GPLX hạng A4 bằng bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET (nhựa) trước ngày 31/12/2016. GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải đổi trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi quy định, người có GPLX bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX.

Mãi một năm sau khi ra đời Thông tư 58 của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp mới lên tiếng khẳng định việc Bộ GTVT bắt buộc người dân chuyển đổi GPLX (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ loại bằng giấy bìa sang bằng nhựa là “không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất”, “tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”.

Bộ GTVT, do đó, đã bỏ quy định phải thi lại lý thuyết; từ chỗ quy định bắt buộc chuyển sang khuyến khích người dân đổi GPLX sang vật liệu nhựa để chống việc làm giả.

Tuy nhiên, sự sửa sai này của Bộ GTVT có vẻ đã quá muộn, khi thông tin từ ngành GTVT cho biết, tính đến cuối tháng 11, số người chưa đổi GPLX sang loại bằng nhựa chỉ còn chưa đầy 300 ngàn người, trong khi đã có gần 5,3 triệu người mất thời gian, tiền bạc đi đổi GPLX theo quy định của Bộ.

6. Quy định bình chữa cháy

Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 6/1/2016 có quy định ô tô phải được trang bị các phương tiện chữa cháy, với mức phạt vi phạm từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với xe ô tô thông thường và 3-5 triệu đồng đối với các xe chuyên chở hoá chất hoặc hàng nguy hiểm cháy nổ.

Tuy nhiên, do thực tế đã xảy ra không ít vụ nổ bình chữa cháy trên xe ô tô trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cộng với việc Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bình chữa cháy, và các sản phẩm này trên thị trường cũng chưa có tem nhãn của cơ quan quản lý, nên việc kiểm tra và xử phạt đến nay gần như chỉ tồn tại trên lý thuyết. Cục Cảnh sát giao thông (thuộc Bộ Công an) cũng khẳng định rằng CSGT tuyệt đối không được dừng phương tiện chỉ để kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy.

7. Dai dẳng vụ việc Mazda3 hiện đèn báo check-engine

Vào tháng 6/2016, Thaco - tập đoàn ôtô trong nước chính thức công bố lệnh triệu hồi hơn 10.000 chiếc Mazda3 sử dụng động cơ SkyActiv-G 1.5L tại Việt Nam do hiện đèn báo lỗi động cơ, kết thúc cuộc tranh cãi dai dẳng trước đó 1 năm. Sự việc bắt đầu khi gần 100 khách hàng phản ánh hiện tượng hiện đèn check-engine khi xe mới lăn bánh chưa đến 10.000km vào tháng 7/2015.

Sau đó hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn trên các mẫu và tập đoàn Mazda đã đưa người sang ghi nhận hiện tượng và mang các mẫu vật về nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến tận tháng 3/2016 mà Mazda và nhà phân phối tại Việt Nam vẫn không đưa ra những kết luận cuối cùng về nguyên nhân của sự việc này. Trong thời gian đó, Mazda Việt Nam vẫn thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời như xúc rửa hệ thống phun nhiên liệu, đổ thêm dung dịch làm sạch kim phun.

Cho đến cuối tháng 4/2016, khi Mazda Việt Nam không đưa ra được giải pháp cuối cùng cho việc những chiếc Mazda3 hiện đèn check-engine, Cục Đăng kiểm Việt Nam tuyên bố sẽ không đăng kiểm mới cho các mẫu xe này nếu không có giải pháp triệt để đối với lỗi này. Đến lúc này, Mazda Việt Nam mới đệ trình phương án xin triệu hồi để sửa chữa các mẫu Mazda3 tại Việt Nam, và được Cục Đăng kiểm thông qua vào tháng 6/2016.

Tuy nhiên đại diện nhà phân phối Mazda tại Việt Nam cho biết hiện lỗi check-engine trên các động cơ SkyActiv 1.5L này vẫn đang được tập đoàn Mazda nghiên cứu và phân tích và đây vẫn chưa phải là biện pháp cuối cùng. Và cũng với chủng loại động cơ này, 4.809 chiếc Mazda2 tại Việt Nam cũng phải triệu hồi với lỗi tương tự vào tháng 10/2016.

8. Truy thu thuế gần 1.000 tỉ đồng của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô

Tháng 7/2016, Tổng cục Hải quan phát đi thông báo về việc có hiện tượng chênh lệch giá trị nhập khẩu ôtô tại 5 cửa khẩu được phép nhập khẩu ôtô trên toàn quốc. Đến tháng 8/2016, đến lượt Tổng cục Thuế nhận được chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) điều tra về việc một số đối tượng lợi dụng chính sách nhập khẩu ôtô theo dạng quà tặng để gian lận, trốn thuế và đặc biệt là hành vi gian lận thương mại khi khai báo giá trị tính thuế của xe nhập khẩu thấp hơn giá trị thị trường.

Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các địa phương ra soát các cơ sở kinh doanh nhập khẩu nhập khẩu ôtô theo diện quà tặng, kiểm tra số lượng xe đã bán cho bên thứ hai... để rà soát lại nghĩa vụ thuế của các công ty này. Tháng 9/2016, phó thủ tướng Vương Đình Huệ chính thức chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra làm rõ vấn đề hiện tượng gian lận trong việc nhập khẩu ôtô theo dạng biếu tặng.

Và kết quả của đợt kiểm tra này, hàng loạt công ty phân phối xe sang và siêu sang tại Việt Nam đã bị Tổng cục Thuế truy thu với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng; trong đó đáng chú ý có công ty Tân Thành Đô - nhà phân phối thương hiệu Jaguar và Land Rover bị truy thu 719 tỉ đồng, công ty Regal - phân phối thương hiệu Rolls-Royce bị truy thu 49 tỉ đồng và đặc biệt là trường hợp công ty Euro Auto - phân phối thương hiệu BMW, MINI, Motorrad tại Việt Nam, do có hành vi giả mạo hóa đơn chứng từ khi nhập khẩu xe, tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chưa thông quan, có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng và hiện đã chính thức bị khởi tố vào ngày 20/12/2016 vừa qua. Hiện các công ty bị truy thu thuế bổ sung đang chuẩn bị khiếu nại theo đúng trình tự của pháp luật.

9. Xu hướng nhập khẩu xe thay vì lắp ráp

Do tác động của lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% đến năm 2018 đối với mặt hàng ôtô sản xuất tại các nước trong khu vực ASEAN, hàng loạt mẫu xe trước đó được lắp ráp tại Việt Nam nay sẽ được chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc tại các nước khác trong khu vực, chủ yếu là Thái Lan. Những cái tên đáng quan tâm tại thị trường ôtô Việt Nam trước được lắp ráp trong nước nay sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc bao gồm Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Honda Civic...

Tất cả các động thái này đều cho thấy một thực tế rằng các hãng xe lớn hiện có mặt tại Việt Nam đang có chung một xu hướng lựa chọn phương thức kinh doanh nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực ASEAN, thay vì lắp ráp ngay tại Việt Nam. Điều này đơn thuần xuất phát từ bài toán hiệu quả trong kinh doanh, khi mà chi phí sản xuất, quản lí dành cho việc lắp ráp trong nước không thể hiệu quả bằng việc nhập khẩu xe từ các nhà máy có quy mô sản xuất, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này.

Nguyên nhân lớn đến từ việc này là do năng lực sản xuất của các nhà cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ôtô tại Việt Nam chưa đủ lớn, kinh nghiệm sản xuất chưa nhiều và đặc biệt là phải kể đến sản lượng cung cấp không lớn (ảnh hưởng từ chính số lượng xe tiêu thụ của thị trường Việt Nam vẫn còn thấp - năm 2016 dự báo sẽ đạt khoảng 300.000 xe) dẫn đến chi phí sản xuất quá lớn, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh các mẫu xe kể trên, hiện tại toàn bộ dòng xe bán tải ở thị trường Việt Nam đều nhập khẩu từ Thái Lan, các dòng xe du lịch khác cũng có nguồn gốc tương tự bao gồm Toyota Yaris, Mitsubishi Attrage/Mirage, Honda Civic/Accord...

Với xu hướng này, khả năng lớn tới đây sẽ có nhiều hãng xe, từ nay đến năm 2018 sẽ chỉ giữ lại một vài dòng xe lắp ráp trong nước có hiệu quả tốt như Toyota Innova, Ford Transit...

10. Kết thúc chuẩn khí thải Euro 2 với ôtô

Năm 2016 kết thúc cũng là lúc các quy định về tiêu chuẩn Euro 2 đối với ôtô mới được nhập khẩu hay lắp ráp tại Việt Nam. Quyết định 49/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn khí thải mới đối với các loại xe ôtô, môtô mới chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2017. Theo đó Tiêu chuẩn khí thải mức 4 sẽ được áp dụng đối với các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới và mức tiêu chuẩn khí thải mức 3 sẽ được áp dụng đối với các loại xe môtô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Tiêu chuẩn khí thải mức 3 và mức 4 sẽ là tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải tương ứng với mức Euro 3 và Euro 4 được quy định trong quy định kỹ thuật về khí thải xe cơ giới của Ủy ban kinh tế châu Âu, của Liên hiệp quốc, hoặc trong chỉ thị của Liên minh châu Âu áp dụng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Hiện đang có vấn đề nảy sinh đối với nhiên liệu sử dụng cho các dòng xe này khi mà các hãng xe đều đảm bảo các dòng xe được sản xuất hay nhập khẩu vào Việt Nam đều có thể đảm bảo vấn đề này, tuy nhiên các hãng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng nhiên liệu cung cấp các mẫu xe này cũng phải đảm bảo "đạt chuẩn" thì việc áp dụng các quy định về mức khí thải đối với ôtô, xe máy mới có thể đạt được hiệu quản như thiết kế.

Về năng lực của đơn vị kiểm tra nồng độ khí thải của các phương tiện xe cơ giới, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết cơ quan này đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, máy móc để có thể thực hiện việc kiểm tra phương tiện theo tiêu chuẩn khí thải mới này.

Chuyên mục Xe++

Tag :sự kiện năm, sự kiện ô tô 2016, ngành ô tô, thị trường ô tô

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget