Dân trí Sinh sống bên đường tàu ở giữa lòng phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), người dân vẫn chủ quan cho hay chưa hề xảy ra một vụ tai nạn đường sắt nào, kể cả tai nạn với một con vật. Ở một khoảng cách cực gần, nhịp sống của họ vẫn diễn ra bình thường bất chấp nguy hiểm đang rình rập hàng ngày.
Đường sắt đoạn chạy qua khu vực Đề Pô (phường Phước Tân, TP Nha Trang, Khánh Hòa) vào sáng sớm nhộn nhịp hàng quán ở khoảng cách cực gần với đường ray, thậm chí nhiều quán ở bên này đường còn khách ngồi ở phía bên kia đường
Ông Đinh Bá Thời (79 tuổi, tổ 31, phường Phước Tân, TP Nha Trang), cho biết gia đình ông sinh sống bên đường ray từ năm 1974 và đến nay ông chưa từng chứng kiến một vụ tai nạn đường sắt nào ở khu vực này. "Nghe còi là mình né liền, tàu chạy qua đây chậm lắm", ông vẫn chủ quan nói
Nhịp sống của người dân ở phường Phước Tân bên đường tàu. "Tôi chưa thấy một vụ tai nạn đường sắt nào, kể cả tai nạn với một con vật", vẫn lời của người dân ở đây
Ở khoảng cách cực gần với đường sắt, người dân đi lại bằng xe máy, xe đạp trên một con đường nhỏ nham nhở đá nhăm
Cũng trên đoạn đường sắt qua phường Phước Tân, vẫn thấy người dân bình thản ngồi trên đường sắt để nói chuyện
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 11 người, bị thương 4 người. Mặc dù giảm 28% số vụ và hơn 22% số người chết so với năm 2015 nhưng tai nạn đường sắt vẫn là mối nguy rình rập
Mới nhất vào tháng 1/2017, tại đường sắt Bắc – Nam, đoạn thuộc thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa tàu SE1 đang lưu thông hướng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, với xe máy biển số 79X1-02488 khiến một người chết tại chỗ
Ở khu vực Đề Pô (phường Phước Tân), nhà dân hướng về phía đường tàu và họ cho biết nằm lòng giờ qua lại của tàu hỏa hàng ngày
Không ít nhà dân gần đường tàu ở phường Phước Tân giữa lòng phố biển Nha Trang có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều căn nhà lụp xụp, rách nát
Nhịp sống xóm đường tàu ở Nha Trang lúc chiều về. "Chúng tôi sống ở đây lâu năm nên cũng quen với cảnh tàu hỏa qua lại", một người đàn ông nói
Theo Công ty QLĐS Phú Khánh, đơn vị đang quản lý 283km đường sắt qua địa bàn các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa. Đến cuối năm 2016, tuyến đường này có 148 đường ngang và 285 lối đi dân sinh trái phép. Thời điểm đó, ngành đường sắt đã bố trí được 54 điểm có gác chắn, 53 điểm có cảnh báo tự động, 41 điểm có biển báo
Thủy Nguyên
Đăng nhận xét