Dân trí Sau sự ra đi của hàng loạt thương hiệu xe con Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam như: Lifan, BYD, Cherry hay Geely, các dòng xe mới của Trung Quốc có tham vọng ồ ạt vào Việt Nam cũng dần mất bóng dáng tại các showroom và đại lý lớn, trong đó phải kể đến là cái tên như: Haima, Baic và Changan.
>> Giá giảm mạnh, "xế hộp" về Việt Nam tăng gấp 7 lần năm ngoái
>> Xe Ấn Độ nhập 84 triệu đồng, bán 500 triệu đồng: Sự thật giá đắt ô tô Việt
Xe Trung Quốc vào Việt Nam cũng giống như xe Hàn, Nhật là đi qua doanh nghiệp phân phối chính thức, doanh nghiệp (DN) bán lẻ và liên doanh lắp ráp với DN tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 10 năm du nhập, hiện một số thương hiệu xe hơi Trung Quốc đã "mất bóng" tại Việt Nam, số còn lại chỉ được bày bán ở 1 số chi nhánh, showroom tại các đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng.
Dẫu vậy, doanh số và độ phủ thương hiệu khá yếu so với các đối thủ từ Hàn, Nhật Bản, dù hiện Trung Quốc là nước sản xuất ô tô nhiều nhất thế giới, có 10 thương hiệu xe nội địa lớn.
Từ những mẫu xe lắp ráp giá rẻ
Về thị trường xe Trung Quốc lắp ráp tại Việt Nam, cuộc đổ bộ bắt đầu từ hàng loạt tên tuổi như: Lifan, Cherry hay Haifei vào những năm 2009, khi mà thị trường xe hơi của Việt Nam còn khá vắng vẻ. Các thương hiệu xe như Lifan, Cherry (được lắp ở nhà máy ô tô Hòa Bình (VMC) hay Haifei được lắp ráp bởi liên doanh của Vinaxuki đưa một số mẫu xe ra thị trường để thử nghiệm khách hàng.
Các mẫu xe giá rẻ chỉ 150 triệu đến hơn 300 triệu đồng được lắp ráp tại Việt Nam lần lượt ra đời như: Chery QQ, Chery Riich M1, PMC Premio, PMC Pronto, Hafei HFJ 7110… Tuy nhiên, nó chỉ được bán một thời gian, sau đó những loại xe siêu rẻ này dần mất dấu vết. Hiện những mẫu này vẫn được bán tại Việt Nam nhưng chủ yếu là xe đời cũ, giá chỉ vài chục triệu đồng/chiếc.
Ngoài ra, một loạt hãng xe có kế hoạch xâm nhập thị trường Việt bằng cách lắp ráp xe phân phối. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) lớn của Trung Quốc đã phân phối xe hơi vào Việt Nam, trong nhóm 10 DN ô tô nội địa lớn nhất Trung Quốc, có đến 7 hãng có mặt tại Việt Nam như: BYD, Changan, Baic, Haima, Zotye...
Tương tự như các dòng xe Trung Quốc lắp ráp tại Việt Nam, các mẫu xe nhập, phân phối trực tiếp cũng có mức giá rất rẻ so với giá xe thị trường. Những mẫu xe du lịch 4 - 5 chỗ chỉ khoảng từ 300 đến 400 triệu đồng/chiếc. Các loại xe thể thao đa dụng (suv) cũng chỉ có mức giá khoảng khoảng 550 triệu đồng - 650 triệu đồng như Haima 7 và Haima Freema, Baic X25... Tuy nhiên, những loại xe này vẫn không chinh phục được thị trường và người tiêu dùng Việt Nam.
Đến những chiếc xe nhập đời mới
Loại xe của các thương hiệu trên nhắm vào phân khúc bình dân khoảng 200 đến 400 triệu đồng và có tham vọng giống như xe máy Trung Quốc, có thể biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ của nước sản xuất và lắp ráp xe ô tô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, họ không làm được điều này. Bản thân một DN sản xuất xe hơi chạy điện top 5 của Trung Quốc là BYD còn coi Việt Nam là "bước đệm" hoặc "cầu nối" để DN này phát triển các loại xe con loại nhỏ, xe ô tô điện sang các nước ASEAN. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, những mẫu xe BYD nhanh chóng rút lui khỏi thị trường.
Haima và Baic là hai thương hiệu xe lớn tại Trung Quốc, hai hãng xe nội địa Trung Quốc đổ bộ một số dòng xe vào Việt Nam và được quảng cáo là có sử dụng động cơ của các hãng xe Nhật, Ý, Đức... nhưng ngoài sự bóng bẩy bắt mắt thì những thương hiệu xe này không chiếm được cảm tình người Việt bởi xuất xứ Trung Quốc.
Ví dụ Haima - một sản phẩm của sự hợp tác giữa công ty xe hơi Hải Nam (Trung Quốc) và Mazda (Nhật) sau khi Mazda chuyển giao lại dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế thương hiệu này còn rất mới và không thu hút được người Việt mê xe chọn mua. Những cái tên Haima 2, New Haima 3, Haima 7 và Haima Freema với ngoại hình có nhiều nét giống với những chiếc xe Mazda được bán tại Việt Nam. Ngoài ra, hiện thị trường ô tô có các thương hiệu mang tên Trung Quốc như: Zotye, Baic D60... Tuy nhiên, những thương hiệu xe này không được người tiêu dùng Việt mặn mà.
Theo một số chủ đại lý, showroom kinh doanh xe tại Lê Văn Lương (Hà Nội), hầu hết xe Trung Quốc nhập khẩu rất đẹp về mẫu mã nhưng thị hiếu người Việt rất rõ ràng, xuất xứ Trung Quốc và giá rẻ họ nghi ngại. Thường các loại xe Trung Quốc những dòng như BYD, Cherry, Lifan... đi một đến 2 năm tạm ổn, nhưng thời gian sau nhanh xuống, phụ tùng thay thế khó vì các hãng thường đưa xe vào mà không đưa các xưởng bảo hành, bảo dưỡng. Các đại lý xe cũ hầu hết không muốn nhập và không dám nhập xe Trung Quốc vì khó bán lại cho khách, ngoài những khách đặt theo hợp đồng. Các dòng xe mới cũng rất khó xây dựng thương hiệu và có doanh số bán cao.
Theo lý giải của chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long: "Sự thoái lui, vắng bóng hay là sự thất bại báo trước của xe Trung Quốc không chỉ bởi hệ quả là giá rẻ mà do chất lượng và tâm lý của người tiêu dùng. Xe Trung Quốc dù được quảng cáo sử dụng động cơ của Nhật, Đức hay Ý như nhiều hãng xe Hàn, Ấn, Thái Lan khác... nhưng người tiêu dùng Việt vẫn ái ngại khi chọn mua những dòng xe này, dù bề ngoài chúng được thiết kế khá tinh xảo, đi đúng theo trào lưu, thị hiếu thị trường và "đồ chơi" - tiện ích rất đầy đủ".
Ông Long nhấn mạnh: "Tâm lý của người Việt sợ xe Trung Quốc là bởi bài học từ những chiếc xe máy nhái từ Trung Quốc những năm 2000,;khi xe máy Nhật vô cùng đắt đỏ, thì trào lưu xe máy Trung Quốc thay thế, khiến thị trường xe máy Việt Nam tràn ngập xe giá rẻ của Trung Quốc. Hiệu quả là người Việt có xe máy đi, giá xe máy liên doanh Nhật - Việt cũng phải rẻ đi. Tuy nhiên, cái mất đi của Việt Nam đó là rất nhiều bãi xe máy Trung Quốc mọc ra khắp nơi, bởi những chiếc xe máy Dream của Lifan hay Wave nhanh tã, nhanh hỏng và điểm đến là các bãi thải. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng Việt khi chọn mua xe ô tô đã cảnh giác, dễ liên tưởng".
Nguyễn Tuyền
Đăng nhận xét