Dân trí GS Nguyễn Đình Đức - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng, theo đúng tài năng, không cào bằng sẽ là giải pháp sâu xa và bền vững để nâng cao chất lượng giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).
>> Viện Toán học kiến nghị bỏ nhiều quy định để nâng chuẩn giáo sư, phó giáo sư
>> Phải nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư
>> Phải có công bố quốc tế mới được công nhận giáo sư, phó giáo sư
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức
Góp ý về Dự thảo về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS,PGS mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến, GS Nguyễn Đình Đức - ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: "Việc xét và công nhận đạt chuẩn cũng như bổ nhiệm chức danh GS và PGS của Việt Nam trong thời gian qua trên thực tế là đã dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của quốc tế và có áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, và luôn được từng bước đổi mới, cải tiến và nâng cao chuẩn, tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế.
Thực tế cho thấy các GS, PGS của Việt Nam được bổ nhiệm trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Chúng ta đã hình thành được đội ngũ trí thức đầu ngành, đầu đàn là các GS, PGS ở các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn của đất nước.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là mặt bằng chung các tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của Việt Nam (ngay cả trong Dự thảo mới) còn thấp so với tiêu chuẩn GS, PGS của các nước tiến tiến, và vì vậy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nghiên cứu để đổi mới, nâng cao các tiêu chuẩn với các GS, PGS như hiện nay là rất cần thiết và kịp thời”.
Tiêu chuẩn bài báo thuộc hệ thống ISI, Scopus như dự thảo vẫn là thấp so với mặt bằng chung thế giới
Thưa GS, theo nhiều nhà khoa học, những đổi mới được đưa vào dự thảo vẫn chỉ ở dạng “nửa vời”, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong đợi cho tiến trình hội nhập quốc tế. Theo Dự thảo thì từ năm 2019, ứng viên GS nhóm ngành khoa học tự nhiên - công nghệ phải có ít nhất 2 bài báo, ứng viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn có ít nhất 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus - quy định như vậy có nhẹ nhàng quá không ?
Các tiêu chí như Dự thảo đã có nhiều đổi mới và có lộ trình trong điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên chính xác hơn là xã hội vẫn mong muốn Bộ giáo dục Đào tạo và Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, mạnh tay nâng cao hơn nữa các yêu cầu, tiêu chí với các tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Dự kiến ứng viên GS nhóm ngành khoa học tự nhiên - công nghệ phải có ít nhất 2 bài báo, ứng viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn có ít nhất 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus vẫn là thấp so với mặt bằng PGS, GS của các nước trên thế giới.
Ví dụ ngay như Viện KHCN Hàn Quốc, yêu cầu với NCS là khi tốt nghiệp để bảo vệ được luận án tiến sĩ tối thiểu phải có 2 bài báo trên tạp chí quốc tế SCI hoặc nếu là tạp chí SCIE phải có 3 bài, và tổng IF phải lớn hơn 3. Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo tôi cần có lộ trình và tiêu chí phù hợp với từng ngành mới khả thi.
Việc các cơ sở đào tạo đại học ngày càng có nhiều GS, PGS có chất lượng cao sẽ làm uy tín và tăng xếp hạng của cơ sở giáo dục đại học đó. Nhưng có nhiều theo số lượng mà chất lượng không cao, các tiêu chí quá thấp so với thế giới thì lại phản tác dụng.
Hiện nay, chúng ta đã quyết tâm nâng cao chất lượng và chuẩn đầu ra với các NCS, do đó không có lý do gì để chậm chễ áp dụng, nâng cao tiêu chí với đội ngũ người thầy là các GS, PGS. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm số lượng GS và PGS và có thể có tình trạng có một số ngành và chuyên ngành sẽ không có GS,PGS mới trong một vài năm tới.
Đây là cái giá chúng ta phải trả và chấp nhận để nâng cao chất lượng đội ngũ, và sẽ là cú huých nhằm tăng chất lượng và uy tín của đội ngũ trí thức Việt Nam, làm tăng chất lượng và uy tín của nền giáo dục đại học Việt Nam – Tôi cho rằng đây cũng chính là điều mà dư luận xã hội rất đang mong đợi ở Bộ Giáo dục Đào tạo và Hội đồng Chức danh GSNN trong đợt cải tổ lần này.
Hiện nay chúng ta có đội ngũ nhiều tiến sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài, có thực tài, có năng lực nghiên cứu xuất sắc và nhiều hoài bão trong khoa học, tôi hoàn toàn tin tưởng chắc chắn sau 5-10 năm chúng ta sẽ có đội ngũ GS, PGS đạt tiêu chuẩn như các nước tiên tiến.
Tiêu chí về công bố quốc tế với GS, PGS ở tất cả các ngành là cần thiết
Vậy có nên xem xét tính đặc thù của từng ngành để quy định về bài báo như khối Khoa học xã hội nhân văn?
Việc xem xét tính đặc thù của từng ngành là cần thiết. Trong năm qua hội đồng ngành Vật lý và Cơ học có 100% ứng viên GS và PGS đều có công bố trên các tạp chí quốc tế ISI. Với một số hội đồng ngành như toán học, vật lý, hóa học và cơ học,....có thể để xuất có mặt bằng tiêu chí cao hơn so với mặt bằng chung, điều này cũng sát và phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
Tuy nhiên tôi cũng lưu ý là ví dụ như với bậc NCS, các nước tiên tiến thường đòi hỏi trước khi bảo vệ luận án NCS phải công bố được tối thiểu 2 bài báo trên tạp chí ISI có uy tín, và không có ngoại lệ với bất kỳ ngành nào.
Chính vì vậy, các NCS trong khối ngành KH xã hội nhân văn, kinh tế luật làm luận án tiến sỹ thường có thời gian kéo dài hơn so với các NCS trong khối KHTN-CN.
Ở Việt Nam hiện nay có xu hướng ngược lại, số NCS trong khối KH XHNV, Kinh tế luật nhiều khoảng gấp 4 lần khối KHTN-CN và cũng thường kết thúc luận án đúng hạn nhanh và nhiều hơn khối KHTN-CN.
Vì vậy, việc nâng cao chất lượng và tiêu chí GS, PGS với cả các ngành thuộc khối XHNV, KT, Luật,...theo tôi là cần thiết.
Trên cơ sở đãi ngộ xứng đáng, đội ngũ trí thức sẽ tự rèn luyện, tự phấn đấu, và cũng sẽ tự đào thải, có cạnh tranh lành mạnh, thật giả không thể lẫn lộn và không có chỗ cho thói hư danh.
GS, PGS phải viết sách và hướng dẫn nghiên cứu sinh
Theo một số ý kiến, dự thảo yêu cầu ứng viên GS, PGS phải là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 1 cuốn sách phục vụ đào tạo là hoàn toàn không phù hợp. GS nghĩ sao?
Trước hết phải khẳng định chức danh GS và PGS phải được gắn với hoạt động đào tạo đại học và sau đại học. Công bố quốc tế là một tiêu chí quan trọng nhất và là tiêu chí hàng đầu, trước tiên để khẳng định trình độ và năng lực khoa học của GS,PGS, nhưng chỉ là điều kiện cần.
Nếu chỉ cần có nhiều bài báo quốc tế là có thể phong chức danh GS và PGS mà thiếu sách giáo trình, thiếu sách chuyên khảo (đương nhiên phải là sách được hội đồng khoa học thẩm định chất lượng và phải được sử dụng thực tế phục vụ đào tạo đại học và sau đại học) và thiếu hướng dẫn NCS, tôi cho là chưa đủ.
Vì GS và PGS không chỉ là nhà khoa học, mà còn là người Thầy. Cho ra đời một quyển sách chuyên môn có chất lượng là công việc rất vất vả và công phu, nhiều khi kéo dài tới vài năm.
Nhiều GS nổi tiếng trên thế giới không chỉ có các bài báo khoa học xuất sắc, mà còn có những cuốn sách để đời, làm nền tảng cho một trường phái, ngành khoa học mới.
Công bố quốc tế mới chứng minh năng lực nghiên cứu khoa học, còn để trở thành một người Thầy cần tích lũy được kinh nghiệm sư phạm, cần có thời gian rèn giũa và khẳng định trong môi trường giáo dục đào tạo đại học và sau đại học, và điều này được vi phân thành các kết quả qua năm tháng tích lũy bằng việc xuất bản sách giáo trình, sách chuyên khảo có giá trị và đào tạo, hướng dẫn thành công nhiều NCS.
Có thể đâu đó GS không cần có sách, nhưng cá nhân tôi ra nước ngoài chưa gặp GS nào lại không có sách xuất bản và không hướng dẫn NCS.
GS công bố các ý tưởng mới, kết quả nghiên cứu mới thông qua các bài báo trên các tạp chí khoa học, và hệ thống hóa trí thức bằng sách để phục vụ đào tạo và nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh để truyền nghề, truyền dạy phương pháp nghiên cứu và phát triển trí thức mới, xây dựng nhóm nghiên cứu.
Tôi cho rằng với chức danh GS, bên cạnh các bài báo, muốn khẳng định uy tín và thương hiệu của mình, xây dựng được trường phái học thuật rất cần phải có nhiều sách chuyên khảo có giá trị và hướng dẫn nhiều NCS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Do vậy, chất lượng của các thành viên hội đồng xét GS, PGS lại càng là yếu tố quan trọng và cũng phải xem xét đầy đủ trên các tiêu chí đó. Công bố quốc tế là tiêu chí hàng đầu, quan trọng nhất, nhưng hội đồng xét đề tài khác với hội đồng xét GS, PGS.
Nếu chỉ coi trọng yếu tố công bố quốc tế mà không xem xét đến quá trình và thành tích trong đào tạo và hướng dẫn NCS, theo tôi cũng không hoàn toàn phù hợp với hội đồng chức danh GS và PGS.
Một vấn đề quan trọng nữa là dự thảo vẫn giữ quy định muốn được công nhận GS, ứng viên phải hướng dẫn chính nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ý kiến của GS như thế nào?
Ở một số nước, việc PGS, GS hướng dẫn NCS được xem là đương nhiên và vì vậy họ không đưa vào tiêu chí bắt buộc là vì thế.
Với Việt Nam, quy định về sách và hướng dẫn NCS với các GS, PGS là cần thiết và cũng là theo thông lệ của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Ngay cả ở một số nước tiên tiến như Nhật bản, UK (nơi mà tôi có nhiều quan hệ hợp tác thường xuyên), một TS trẻ có nhiều công bố quốc tế xuất sắc có thể chưa hẳn đã được giao hướng dẫn độc lập NCS.
Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây không phải ai có học hàm học vị cũng được giao hướng dẫn NCS, mà phải là các GS, PGS giỏi, có nhiều kinh nghiệm và uy tín khoa học cao, chính vì vậy đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò là TS xuất sắc và thực tài.
Với Việt Nam, GS, PGS được quy định là chức danh của các nhà giáo, gắn với sự nghiệp giáo dục đào tạo đại học và sau đại học, vì vậy những quy định của Hội đồng chức danh GSNN về sách, thâm niên và hướng dẫn NCS bên cạnh các yêu cầu về công bố quốc tế, tôi cho là rất cần thiết và quan trọng.
GS, PGS là những người Thầy gắn với sự nghiệp trồng người. Do đó, các tiêu chí đòi hỏi về khả năng nghiên cứu độc lập, mở các hướng nghiên cứu mới và khả năng tổ chức, triển khai dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu khoa học, các nhóm nghiên cứu, cũng như đòi hỏi có thâm niên và kinh nghiệm nhất định trong giảng dạy, đào tạo đại học, sau đại học, đóng góp với việc phát triển của ngành và uy tín trong cộng đồng khoa học trong và ngoài nước là những tiêu chí cũng không kém phần quan trọng với GS và PGS.
Đãi ngộ xứng đáng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh thật giả không thể lẫn lộn
Được biết, một số trường đại học danh tiếng trên thế giới khi xét tiêu chí để phong và bổ nhiệm GS, PGS còn xem xét khả năng họ đã đấu thầu, có được bao nhiêu đề tài, dự án, mang về cho nhà trường được những nguồn lợi nào về kinh tế. Không có đề tài, dự án sẽ không có nguồn kinh phí để hướng dẫn NCS, sẽ không phát triển được nhóm nghiên cứu của mình và do vậy cũng không thể trở thành các PGS, GS. Đây cũng là động lực để đội ngũ trí thức không ngừng vận động, gắn đào tạo và nghiên cứu với việc giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp, quốc kế dân sinh. Theo GS, chúng ta có nên áp thêm tiêu chí này?
Đúng như vậy, năng lực và uy tín của GS, PGS không chỉ cần được khẳng định trong nghiên cứu, đào tạo, mà còn được nhiều trường đại học trên thế giới đánh giá bằng khả năng thu hút các đề tài, dự án nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ. Tôi cho rằng đây cũng là xu thế, đòi hỏi tất yếu với đội ngũ trí thức của Việt Nam trong tương lai.
Nhân đây, tôi cũng muốn gửi gắm thông điệp là chúng ta đã bàn thảo nhiều và đang nghiên cứu để ban hành tiêu chí theo hướng nâng cao đòi hỏi về chất lượng với đội ngũ GS và PGS, nhưng chưa có những chính sách quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm một cách thỏa đáng hơn với đội ngũ này.
Theo tôi, cốt lõi là vấn đề sử dụng và trọng dụng. Chúng ta phải có chính sách sử dụng và đãi ngộ xứng đáng đội ngũ trí thức thực tài, tinh hoa của đất nước.
Thông lệ quốc tế từ TS đến PGS, từ PGS đến GS là những khoảng cách khá xa về tiêu chí, trình độ, năng lực và cống hiến và cũng khác xa nhau về chế độ đãi ngộ.
Do vậy, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng, theo đúng tài năng, không cào bằng sẽ là giải pháp sâu xa và bền vững để nâng cao chất lượng GS, PGS. Trên cơ sở đãi ngộ xứng đáng, đội ngũ trí thức sẽ tự rèn luyện, tự phấn đấu, và cũng sẽ tự đào thải, có cạnh tranh lành mạnh, thật giả không thể lẫn lộn và không có chỗ cho thói hư danh.
Chúng ta đòi hỏi chất lượng theo chuẩn mực quốc tế, thì cũng cần sớm có những chính sách đổi mới và phù hợp hơn nữa, theo chuẩn mực quốc tế trong việc sử dụng và đãi ngộ với các GS và PGS.
Trân trọng cám ơn GS!
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức –người có nhiều năm kinh nhiệm quản lý và cống hiến trong sự nghiệp đổi mới hoạt động KHCN và giáo dục đào tạo. Ông đã kinh qua cương vị Trưởng ban KHCN, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và hiện nay là Trưởng Ban Đào tạo (đại học và sau đại học) ở ĐHQGHN - Đại học lớn hàng đầu của cả nước. Ông cũng là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Vật liệu và Kết cấu Tiên tiến.
GS Nguyễn Đình Đức đã công bố 200 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có trên 80 bài trên các tạp chí quốc tế ISI. Ông đã từng là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, là thành viên ban biên tập của nhiều tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Hiện nay, GS Nguyễn Đình Đức cũng là Trưởng PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật hạ tầng của Trường Đại học Việt Nhật.
Hồng Hạnh (thực hiện)
Đăng nhận xét