Dân trí Các sinh viên đã có buổi chia sẻ, giao lưu với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và tác giả Trần Hùng John về bí quyết học tập và sống hết mình trong những năm tháng tuổi trẻ.
>> “Thay đổi đời sống bắt nguồn từ thay đổi trong tấm lòng”
Rất nhiều câu hỏi khó về quan hệ gia đình, bạn bè được các SV đặt ra.
Ngày 31/3, trong khuôn khổ chương trình IYF WORLD CAMP 2017 do Hội Liên hiệp Thanh Niên Quốc tế (IYF) tổ chức, giáo sư Nguyễn Lân Dũng và tác giả Trần Hùng John đã có buổi chia sẻ, giao lưu với các bạn sinh viên tại Hà Nội về chủ đề “tấm lòng” và những bí quyết sống hết mình để những năm tháng tuổi trẻ có ý nghĩa.
Trong chương trình, các bạn sinh viên đến từ nhiều trường ĐH khác nhau như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Văn hóa, ĐH Sư phạm, ĐH Bách Khoa đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, thắc mắc cũng như những quan điểm của mình dành cho hai diễn giả.
GS Nguyễn Lân Dũng hóm hỉnh trả lời các bạn sinh viên
Trước lời băn khoăn của một bạn sinh viên: “Khi gặp tình huống cần đối thoại với những người ở địa vị cao hơn, thì em cần phải có thái độ như thế nào, cởi mở tấm lòng như thế nào với họ để họ giúp mình giải quyết vấn đề?”, giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ: “Em cần tự tin với ý kiến, quan điểm của mình và nêu ra một cách thẳng thắn, xác đáng và nói ra với thái độ lịch sự. Tôi tin chắc rằng, sự mạnh dạn của các em sẽ được những người cấp trên lắng nghe và chia sẻ”.
Một câu hỏi là tâm trạng chung của rất nhiều bạn sinh viên về vấn đề giao tiếp, kết nối giữa các thế hệ thành viên trong gia đình: “Đôi khi em không thể nói chuyện được với chính bố mẹ của mình, vì những sự cách biệt thế hệ, vì những sự khác biệt trong suy nghĩ. Như vậy, em có nên tìm đến những người bạn để cởi mở tấm lòng của mình, để chia sẻ những câu chuyện riêng tư của mình không?”, giáo sư đã đưa ra lời khuyên “Tôi nghĩ khi các bạn không thể mở lòng với gia đình, anh em mình, có lẽ tất cả các thành viên trong gia đình đều phải xem lại.
Người trẻ luôn luôn có những cảm giác chông chênh, chơi vơi trước những ngã rẽ cuộc đời. Bố mẹ nên là những người bạn lớn của con, và người con cũng nên lắng nghe, thông cảm cho suy nghĩ của bố mẹ”.
Bên cạnh đó, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng nêu ra những tấm gương bạn trẻ vượt khó, vượt nghèo như bạn Lê Thị Thắm (Thanh Hóa), anh Mười “bơ” – một người nông dân làm giàu từ cây bơ... làm động lực cho các bạn sinh viên cố gắng, nỗ lực không ngừng trên con đường học tập của mình.
“Ngay cả những bạn trẻ khuyết tật, nghèo khổ còn có thể tìm được mục đích sống, thì các bạn ngồi đây, những người xinh đẹp, lành lặn lo gì mà không thể tìm thấy niềm đam mê thực sự? Hãy xác định chọn công việc nào giúp bản thân nuôi sống gia đình, và phát huy tối đa tài năng của mình. Xã hội rộng lớn, không khó để các em tìm thấy môi trường phù hợp”, GS chia sẻ.
Diễn giả Trần Hùng John khẳng định tính thụ động là cản trở lớn nhất đối với các bạn trẻ VN.
Tiếp sau GS Nguyễn Lân Dũng, anh Trần Hùng John xuất hiện và chia sẻ về cuộc hành trình xuyên Việt 80 ngày với chiếc ví rỗng của mình. Theo anh, Việt Nam là nước đang hội nhập mạnh mẽ, để trở thành công dân toàn cầu và tiến bước ra với thế giới, tính thụ động là cản trở lớn nhất đối với các bạn trẻ.
Để nói về nguồn gốc của tính thụ động của người Việt trẻ, theo diễn giả phần lớn là do cách dạy con của các bậc cha mẹ. Nhiều phụ huynh luôn sợ con mình mắc lỗi, hay phạm sai lầm. Để con cái không phạm sai lầm, nhiều ông bố bà mẹ lựa chọn là “thay con cái quyết định tất cả”. Điều đó trở thành một sự bao bọc thái quá. Ngược lại nhiều thanh niên trẻ Việt Nam không muốn dấn thân và tìm hiểu cái mới, họ hài lòng với con đường mà người khác đã vạch sẵn.
Trước câu hỏi của một bạn sinh viên về việc dám trải nghiệm thật nhiều để hiểu thêm về bản thân mình và thất bại, vấp ngã, thậm chí bị gia đình quay lưng, Trần Hùng John đã rất chân thành chia sẻ về những câu chuyện của mình: “Bản thân anh cũng là người từng đắn đo trước những lựa chọn về nghề nghiệp trong tương lai.
Hồi bé thì anh rất đam mê bóng rổ, nhưng anh lại thi và học chuyên ngành kinh tế. Sau một năm học, anh nhận ra rằng điều làm mình thực sự hứng thú là tâm lý học nên đã chuyển sang học chuyên ngành tâm lý của ĐH Berkeley, Mỹ.
Sau đó, khi về Việt Nam, anh đã từng làm MC truyền hình, làm giảng viên ĐH, làm “sếp”, viết sách và lại đang theo đuổi một dự án riêng... Đến bây giờ, anh cũng chưa thể khẳng định mình thực sự đam mê điều gì, nên cũng không thể tư vấn cho các bạn được”.
“Chỉ có một cách là các bạn hãy thử, thử càng nhiều, trải nghiệm càng tốt. Khi bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, các bạn hãy hình thành sự khẳng định trong tư duy “tôi làm được”. Tất nhiên, các bạn cũng có thể sẽ gặp phải sự phản đối của bố mẹ. Để cha mẹ chấp nhận quyết định của bạn thì cách tốt nhất là tâm sự với bố mẹ để họ hiểu. Vì bậc cha mẹ nào cũng sẽ muốn con mình hạnh phúc”, anh khẳng định.
Hồng Minh
Đăng nhận xét