Dân trí Đối thoại Shangri-La 2017 là nơi phái đoàn các nước tham dự sẽ trình bày về những chính sách an ninh trong khu vực và quốc tế. Năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis dự kiến có bài phát biểu về chính sách của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương, nhưng nhiều nhà ngoại giao trong khu vực đang chờ đợi xem liệu vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập ra sao.
>> An ninh châu Á-Thái Bình Dương: Vấn đề "nóng" tại Đối thoại Shangri-La
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis (Ảnh: Getty)
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh huỷ bỏ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như có những động thái "xích lại" gần với Trung Quốc. Chưa kể, trong những tuần qua, Washington cũng liên tục đưa ra các thông điệp kêu gọi sự ủng hộ của Bắc Kinh trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Chính những điều này đã làm dấy lên quan ngại trong các đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á rằng Trung Quốc sẽ "thoải mái hành động" hơn ở Đối thoại Shangri-La năm nay, diễn ra từ 2-4/6 tại Singapore.
Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, tại Singapore, Bộ trưởng Mattis có thể sẽ nhấn mạnh tới mối đe doạ từ Triều Tiên và vai trò hợp tác quan trọng của các nước châu Á - Thái Bình Dương trong việc kiềm chế các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hiện vấn đề Triều Tiên đang được coi là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau hàng loạt vụ phóng tên lửa thời gian qua và hai vụ thử hạt nhân kể từ năm ngoái.
Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ hồi tuần trước, Hải quân Mỹ bất ngờ tiến hành hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Do vậy, giới quan sát cho rằng dường như chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ vẫn chưa rõ ràng, trong khi các nhà ngoại giao và quan chức các nước thuộc ASEAN được cho là vẫn hy vọng bài phát biểu của Bộ trưởng Mattis có thể làm rõ hơn về chính sách của Tổng thống Trump.
Các đồng minh chờ đợi gì?
Ông Abraham Denmark, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề Đông Á, cho biết trong khi sự tập trung của Bộ trưởng Mattis có thể dành trọn cho vấn đề Triều Tiên vì đây là vấn đề an ninh mà Tổng thống Trump quan ngại nhất thì trong bài phát biểu sắp tới, có thể người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ đề cập thêm về một số vấn đề khác nhằm giảm bớt lo ngại của các nước đồng minh trong khu vực.
Ông Denmmark nói: "Cả khu vực sẽ dồn sự chú ý vào bài phát biểu đó và mục tiêu mà Bộ trưởng Mattis đưa ra cần phải rõ ràng và nhấn mạnh về chính sách của Mỹ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Trong khi đó, một quan chức khác của Mỹ cho biết, mặc dù bài phát biểu của Bộ trưởng Mattis vẫn đang được chuẩn bị và có thể thay đổi vào phút cuối, việc quá tập trung vào vấn đề Triều Tiên của Washington có thể sẽ bị coi là cách né tránh việc nhấn vào quá trình xây dựng trái phép các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hiện giới chức Mỹ đã gửi đi những tín hiệu khẳng định rằng chính quyền mới ở nước này vẫn sẽ có những cam kết chặt chẽ trong nhiều vấn đề với cả khu vực. Họ lưu ý rằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Mattis là tới Đông Bắc Á, thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng đã tới châu Á và cũng đã tổ chức hội nghị với những người đồng cấp tới từ các quốc gia thành viên ASEAN. Theo kế hoạch, Tổng thống Trump cũng sẽ tham dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Việt Nam và Philippines vào tháng 11 tới.
Chưa kể, Lầu Năm Góc cũng thông báo đã nhất trí "trên nguyên tắc" về đề xuất của Thượng nghị sỹ John McCain - Chủ tịch Uỷ ban Quân lực Thượng viện - về việc tăng ngân sách quân sự cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên mức 7,5 tỷ.
Việc Tổng thống Trump liên tục ca ngợi hội nghị không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida hồi tháng trước đã làm dấy lên những câu hỏi trong các đồng minh của Washington tại châu Á rằng liệu họ còn có thể tiếp tục trông đợi vào Washington như một "lá chắn" trước ảnh hưởng của Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, động thái điều tàu Hải quân tuần tra bảo đảm tự do hàng hải của Lầu Năm Góc tại Biển Đông hồi tuần trước đã gửi đi một thông điệp về cam kết của Mỹ. Do vậy, sự chú ý chắc chắn sẽ dồn vào bài phát biểu sắp tới của Bộ trưởng Mattis: Liệu ông có đưa ra những cam kết về bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Đối thoại Shangri-La như những người tiền nhiệm, hay sẽ chỉ nhắc tới mối đe doạ từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên?
Ngọc Anh
Đăng nhận xét