Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đang được đẩy mạnh. Chỉ riêng trong ngày 31/5 đã có ba quan tham bị tù chung thân vì nhận hối lộ.
>> Khéo đút tiền, đại gia Trung Quốc lên cấp thứ trưởng "ngon ơ"
>> Trung Quốc tuyên án tử đối với cựu Phó Chủ tịch Chính Hiệp Thiên Tân
Đó là Vương Bảo An, nguyên Cục trưởng Thống kê quốc gia, nhận hối lộ 153 triệu NDT (505 tỷ VND); Lô Tử Duyệt, nguyên Thị trưởng Ninh Ba, nhận hối lộ 147 triệu NDT; Trần Tuyết Phong, nguyên Bí thư thành ủy Lạc Dương, nhận hối lộ 125 triệu NDT và gây thiệt hại 224 triệu NDT.
Vương Bảo An: Anh em nối gót vào tù
Vương Bảo An sinh năm 1963, là tiến sĩ kinh tế. An từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó văn phòng Tổng cục Thuế, Trợ lý tỉnh trưởng Hắc Long Giang, Vụ trưởng các Vụ Quy hoạch chính sách, Tổng hợp, Xây dựng chính sách của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Tài chính. Từ 4/2015, An là Cục trưởng Thống kê quốc gia.
An bị cáo buộc trong thời gian từ 1994 đến 2016 đã lợi dụng các chức vụ ở Bộ Tài chính và Trợ lý tỉnh trưởng Hắc Long Giang để giúp người khác trong tiêu thụ vé xổ số, xin vay tiền, phê duyệt công trình, cấp đất, bổ nhiệm, điều chuyển chức vụ… rồi nhận hối lộ số tiền cực lớn.
Từ trái qua: Vương Hoằng Cảnh, Vương Bảo An và Vương Hoằng Hy
Ngày 26/8/2016, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật (UBKTKL) ra thông báo An bị đình chỉ chức vụ, cách ly điều tra. Thông báo nêu rõ, An không có niềm tin chính trị, chìm đắm trong hoạt động mê tín dị đoan, phát biểu đi ngược lại tinh thần của Trung ương trong các vấn đề lớn, đạo đức suy đồi, đổi quyền, tiền lấy sắc...
Thông báo cũng chỉ rõ An đã lợi dụng chức vụ để mưu cầu lợi ích cho người thân trong việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ. Một tháng sau, Viện Kiểm sát Tối cao sau khi điều tra đã quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với An.
Hoắc Tiêu Vũ, vợ của Vương Bảo An, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân Hà, cũng bị bắt giữ để điều tra. Cùng thời gian này, hai em trai của An gồm Vương Hoằng Cảnh và Vương Hoằng Hy, đều bị bắt. Đáng chú ý, Cảnh được bổ nhiệm 4 ngày trước khi An bị bắt. Cảnh bị bắt khi mới ngồi trên ghế 8 ngày.
Tại thành phố Bình Đỉnh Sơn, mọi cán bộ và người dân đều biết về mối quan hệ anh em của bộ ba An – Cảnh – Hy. Hai người em giữ chức vụ lâu dài ở địa phương, chức vụ cao thấp khác nhau, nhưng tiếng xấu thì giống nhau.
Cuối năm 2016, UBKTKL tỉnh ủy Hà Nam ra thông báo, trong thời gian từ 2003 đến 2014, Hy đã nhận hối lộ của 15 người số tiền 777.000NDT (2,27 tỷ VND).
Lô Tử Duyệt: Mê tín, sống sa đọa
Lô Tử Duyệt sinh năm 1962, từng giữ các chức Thị trưởng Đông Dương, Nghĩa Điểu, Bí thư thị ủy Lâm Hải, Bí thư thị ủy Lệ Thủy. Tháng 1/2013, Duyệt là Phó tỉnh trưởng Chiết Giang, tới tháng 5 làm Phó bí thư, quyền Thị trưởng Ninh Ba và được bầu làm Thị trưởng tháng 1/2015.
Lô Tử Duyệt trước vành móng ngựa
Ngày 16/3/2016, UBKTKL thông báo Duyệt bị điều tra do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Báo chí khi đó đưa tin Duyệt có quan hệ mật thiết với Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Tư Hâm Lương, người đã bị cách chức hồi tháng 2/2015 do có dính líu đến vụ án “đại quan tham” Lệnh Kế Hoạch.
Tới ngày 21/6, UBKTKL tuyên bố, điều tra cho thấy Duyệt vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, hoạt động mê tín, lui tới các hội sở trái quy định, có lối sống sa đọa, tham lam hưởng lạc, lôi kéo phiếu bầu cử trái phép, đưa và nhận hối lộ, đổi tiền, quyền lấy sắc, can thiệp vào hoạt động kinh tế và tư pháp...
UBKTKL tuyên bố khai trừ đảng và chức vụ công đối với Lô Tử Duyệt, chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý. Ngày 14/4/2017, tòa án Chu Hải đã bắt đầu xét xử Duyệt về tội nhận hối lộ.
Viện Kiểm sát cáo buộc Duyệt đã nhận hối lộ 147 triệu NDT trong thời gian từ 1999 đến 2016 khi giữ các chức Phó thị trưởng Đông Dương, Thị trưởng Nghĩa Điểu, Thị trưởng Lệ Thủy và Thị trưởng Ninh Ba. Tòa đã làm rõ tội lỗi của Duyệt và tuyên phạt mức án chung thân.
Trần Tuyết Phong: Vào tù vì tham lam
Ngày 16/1/2016, UBKTKL thông báo, Bí thư thành ủy Lạc Dương Trần Tuyết Phong bị điều tra. Phong sinh năm 1958, là tiến sĩ quản lý, giáo sư, kỹ sư cao cấp. Phong từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Than điện Vĩnh Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Công nghiệp hóa chất ngành than ở Hà Nam...
Trần Tuyết Phong
Trước ngày bị bắt, Phong còn dự và phát biểu tại hội nghị xóa đói giảm nghèo. Khi đó báo chí đưa tin Phong bị ngã ngựa do liên quan đến vấn đề tham nhũng trong thời gian giữ chức trong ngành than. Ngày 29/3/2016, Phong bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội khóa 12, tới ngày 2/6 thì bị khai trừ đảng và chức vụ.
Ngày 27/4/2017, tòa án Kinh Châu đã xử Phong về các tội tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền. Tòa đã làm rõ việc Phong bị cáo buộc trong thời gian từ 2000 đến 2015 nhận hối lộ 125 triệu NDT, chiếm dụng tài sản công 5,47 triệu NDT, ra các quyết định sai trái gây thiệt hại cho nhà nước 224 triệu NDT.
Theo Ngô Tuyết
Vietnamnet
Đăng nhận xét