Đắk Nông: Dân chê bệnh viện trăm tỷ?

Dân trí Nhiều người bệnh sẵn sàng vượt cả trăm cây số để tới phòng khám tư chữa trị dù bệnh viện huyện mới được đầu tư xây dựng với số tiền trên 100 tỷ đồng. Nghịch lý “dân chê bệnh viện công để ra phòng khám tư” này đã diễn ra bao năm nay tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Gần khu dân cư lại thưa thớt người khám bệnh

Khu khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô buổi sáng 9/11 chỉ có một vài người tới khám bệnh
Khu khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô buổi sáng 9/11 chỉ có một vài người tới khám bệnh

Mới sáng sớm, vợ chồng anh Nguyễn Đức Tuấn (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) đã dậy lục đục chuẩn bị đồ đạc để ra Quốc lộ 28 bắt xe khách lên 1 phòng khám ở Đắk Lắk. Đêm qua, đứa con gái của anh chị bị sốt, quấy khóc cả đêm nên sáng nay vợ chồng phải đưa bé đi khám.

Khuôn mặt mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng vì thức trắng đêm, chị Nguyễn Thị Dụng (vợ anh Tuấn) vừa vỗ về đứa con nhỏ, vừa than thở: “Mấy hôm rồi uống thuốc mà không đỡ, hôm qua trở trời, con bé quấy tợn nên anh chị đưa cháu lên 48 Phan Chu Trinh (Phòng khám Đa khoa Nguyễn Dũng, 48 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuật- PV). Khổ thân, mới mấy ngày mà trông gầy sọm đi!”.

Tuy nhiên, để đi từ nhà anh chị lên phòng khám tại Đắk Lắk phải đi quãng đường hơn 100 cây số. Trong khi Bệnh viên Đa khoa tỉnh Đắk Nông chỉ cách đó 60 km, còn Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô lại nằm ngay trên tuyến đường mà chiếc xe khách chạy qua, cách nhà 30 km. Anh Tuấn cho biết: “Hầu hết người dân xã này đều lên Đắk Lắk khám chữa chứ không mấy khi vào bệnh viện huyện.”

Vào bệnh viện trăm tỷ xin thuốc cảm cúm

Tháng 8/2015, Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô quy mô 150 giường bệnh, với tổng vốn đầu tư hơn 114,6 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động. Song, khác với vẻ tấp nập, chen lấn khám chữa bệnh tại một số bệnh viện trong tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô lại “vắng vẻ đến mức yên bình”.

Nhiều phòng bệnh để trống khiến mạng nhên giăng khắp phòng
Nhiều phòng bệnh để trống khiến mạng nhên giăng khắp phòng

Cả bệnh viện chỉ có một điểm trông giữ xe duy nhất, trong lán cũng chỉ có hơn chục chiếc xe máy nằm rải rác . Anh Sanh (nhân viên coi xe) thừa nhận: “Bệnh viện này chỉ đông vào mỗi thứ 2, nhưng so với bệnh viện Đa khoa huyện Cư Jút thì chỉ bằng một phần.”

Theo báo cáo gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, 9 tháng đầu năm 2016 công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện này lên đến 107, 6%. Tuy nhiên qua khảo sát, khu vực điều trị nội trú chỉ có một số phòng hoạt động, nhiều phòng khác bỏ trống đến mức mạng nhện giăng khắp phòng.

5 năm nay, chưa một lần chị Nguyễn Hồng Tuyết (xã Quảng Phú) vào bệnh viện đa khoa huyện khám chữa bệnh. Theo chị, lý do không vào đây khám chữa bệnh là bởi trình độ của các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện này. Chị bức xúc kể lại: “Cách đây hơn 5 năm, tôi đang mang thai đứa con đầu lòng, do có triệu chứng xuất huyết nên chị ra Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô kiểm tra sức khỏe. Tại đây, một bác sĩ chuyên khoa kết luận tôi không giữ được thai nên chỉ định bỏ.”

Không đành lòng đánh mất đứa con nên hai vợ chồng chị Tuyết quyết định bắt xe lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk kiểm tra lại.“Bây giờ đứa con ấy của tôi cũng đã 4 tuổi, cháu vẫn khỏe mạnh và đi học đều”, chị Tuyết hạnh phúc chia sẻ thông tin trên.

Vợ chồng anh Phạm Công Dưỡng (xã Đắk Đrô) năm nay cũng có đứa con trai đầu lòng 13 tháng tuổi. Do thời gian gần đây, cháu mọc răng lại kết hợp với thời tiết thay đổi nên bé sốt và bỏ ăn uống. Tuy nhiên, dù nhà chỉ cách bệnh viện huyện 20 km, nhưng vợ chồng anh Dưỡng nhất định bắt taxi thẳng ra một phòng khám tư trên địa bàn huyện Cư Jút cách nhà 40 km.

Anh Dưỡng bộc bạch: “Nhiều gia đình có trẻ nhỏ ở đây ít khi đưa con ra bệnh viện huyện lắm. Lần nào ra đó cũng cho những loại thuốc giống nhau, uống mãi con không khỏi lại còn lờn thuốc. Ra phòng khám tư không được thanh toán bảo hiểm y tế, nhưng cũng chẳng đáng là bao, quan trọng là con nhanh khỏi, bố mẹ cũng đỡ vất vả.”

Trong khi đó, theo phản ánh của một số người dân sống gần bệnh viện (xã Nam Đà), nhiều năm nay họ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, nhưng ít khi sử dụng tại bệnh viện này. Một người dân cho biết, ông chỉ dùng tấm thẻ này vào bệnh viện huyện khám những bệnh đơn giản khi thời tiết thay đổi, khiến cơ thể đau nhức. “Nhiều hôm bị cảm cúm thì chạy qua xin thuốc chứ đau ốm nặng thì ra ngoài khám cho nhanh.”

“Sẽ giảm bớt thủ tục hành chính”

Theo ý kiến của nhiều người dân huyện Krông Nô, lý do mà họ từ chối khám chữa bệnh tại đây là thủ tục hành chính gây tốn thời gian và thái độ của nhân viên y tế. Bởi “mỗi khi xuất trình thẻ bảo hiểm y tế là nhân viên lại tỏ thái độ”, một người dân cho hay.

Trao đổi với Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô về vấn đề mà người dân phản ánh, ông Nguyễn Đức Thọ cho biết, từ đầu năm tới nay số lượng bệnh nhân thăm khám, điều trị tại bệnh viện tăng so với năm 2015, đồng thời vượt chỉ tiêu mà Sở Y tế giao cho bệnh viện. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, so với các bệnh viện tuyến huyện khác trong tỉnh, tỷ lệ này vẫn chưa cao.

Lý giải về hiện tượng người dân bỏ bệnh viện công ra phòng khám tư chữa trị, ông Thọ nhìn nhận: “Ngoài những nguyên nhân khách quan như vệ sinh, điều kiện địa lý thì hiện nay bệnh viện còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất là khâu thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, hiện nay cả bệnh viện có 96 cán bộ, nhân viên y tế nhưng chỉ có 22 bác sĩ. Số lượng bác sĩ này rất thấp so với số dân của địa phương.”

Cũng theo ông Thọ, do một số địa phương còn xa trung tâm, trình độ dân trí còn thấp, nhiều gia đình có người bệnh như tự ý chữa trị bằng thuốc Nam, thuốc Bắc. Khi mà bệnh đã nặng thì mới tìm đến bệnh viện. Lúc đó, bệnh viện có thể điều trị được nhưng cũng có thể phải chuyển lên tuyến trên.

Trong khi đó, theo ông Hồ Sỹ Phú, Phó phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô, từ trước tới nay bệnh viện cũng đã nhận được phản ánh của người dân về thái độ của nhân viên y tế khi người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế. Ông Phú khẳng định: “Phản ánh của người dân chỉ là phản ánh một chiều, khó xác minh được. Từ trước tới nay bệnh viện luôn chủ trương khám dịch vụ và khám bằng thẻ bảo hiểm đều hưởng quyền lợi như nhau.”

Trước tình trạng người dân chê bệnh viện công, ra phòng khám tư, hoặc tới điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, ông Phú thông tin: “Do đặc thù của địa phương nên người bệnh tại huyện Krông Nô được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Có lẽ người dân không biết được thông tin này lên không vào đây để làm thủ tục chuyển viện để được hưởng quyền lợi y tế.”

Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng trên, Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Đức Thọ cho hay: “Sắp tới bệnh viện sẽ tiến hành rà soát, giảm bớt thủ tục hành chính, đồng thời giảm bớt phiền hà cho người bệnh. Hiện nay, bệnh viện cũng cử 21 cán bộ đi đào tạo, hy vọng trong thời gian tới sẽ đủ nhận lực đáp ứng nhu cầu của người dân.”

Bài, ảnh: Dương Phong

Tag :dân chê bệnh viện công, tỉnh Đắk Nông, xã Quảng Phú, Phan Chu Trinh, bệnh viện huyện, bệnh viện công

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget