Chủ tịch EVN: "Giai đoạn 2018-2019 có khả năng thiếu điện ở Miền Nam"

Dân trí Trong giờ giải lao của Quốc hội chiều nay (9/11), ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trả lời báo chí về một số vấn đề về đầu tư, phát triển nguồn điện trong thời gian tới. Theo ông Thành, giai đoạn 2018-2019 có khả năng thiếu điện ở Miền Nam do nhu cầu tăng cao.
 >> Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam lý giải việc dừng nhà máy điện hạt nhân
 >> Chính phủ trình Quốc hội dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
 >> Sắp có thêm nhà máy nhiệt điện 2,3 tỷ USD

 Ông Dương Quang Thành:EVN sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa các đơn vị phát điện

Ông Dương Quang Thành:"EVN sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa các đơn vị phát điện"

Được biết, tại cuộc họp của Thủ tướng ngày 3-10 với các cơ quan chức năng, Thủ tướng có đề cập đến khả năng thiếu điện trong các năm 2018-2019, xin ông nói rõ vấn đề này?

-Tôi cũng xin nói rõ là việc này không liên quan gì đến việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bởi theo kế hoạch trước đây thì phải đến 2029-2030 mới cấp điện.

Trong giai đoạn 2018-2019 có khả năng thiếu điện ở Miền Nam do nhu cầu phát triển điện ở Miền Nam vẫn tăng cao, trong khi một số dự án điện như là điện than thì chậm tiến độ. Cho nên có nguy cơ thiếu điện trong các năm này. Trước tình hình như vậy, Thủ tướng đã có cuộc họp với các bộ, ngành, EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thảo luận các giải pháp cung ứng điện. Trong đó có các giải pháp cấp bách và giải pháp lâu dài. Giải pháp cấp bách là xem xét đầu tư đường dây tải điện từ Miền Bắc vào Miền Trung và Miền Nam để tập trung nguồn điện vào Miền Nam. Thứ hai là tập trung đầu tư các nguồn năng lượng mới tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ các dự án này, để đảm bảo cung cấp điện cho giai đoạn 2018-2019.

Đồng thời với 2 phương án trên, thì việc đầu tư, đảm bảo các nguồn điện tại chỗ tại khu vực Miền Nam phải đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành. Đây là những vấn đề sống còn đối với việc cung ứng điện cho Miền Nam. Thủ tướng chỉ đạo các chủ đầu tư sớm đưa các dự án đang xây dựng vào vận hành.

Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị các giải pháp lâu dài hơn, đó là đầu tư các nhà máy điện ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, chuyển sang chạy khí hóa lỏng. Trước mắt, Tập đoàn đang nghiên cứu chuyển trung tâm điện lực Tân Phước trước đây chạy than chuyển sang dung khí hóa lỏng để đáp ứng nhanh tiến độ cấp điện, đồng thời thu xếp các nguồn vốn đầu tư cho các dự án này.

Xin ông cho biết khả năng huy động vốn cho việc thực hiện các dự án điện đang triển khai và các dự án điện mới ?

-Với các dự án đang xây dựng thì EVN đã thu xếp đủ vốn, trong đó có các nguồn vốn trong nước, nước ngoài đã ký hợp đồng vay, dải ngân theo đúng tiến độ đầu tư xây dựng. Còn các dự án mới thì Tập đoàn cũng đang xây dựng các phương án huy động vốn, chẳng hạn như dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch mà Thủ tướng vừa giao EVN làm chủ đầu tư, rồi Trung tâm điện lực Tân Phước và một số dự án khác thì ngoài vốn Tập đoàn cân đối, chúng tôi đang xây dựng phương án huy động vốn nước ngoài. Hiện nay các ngân hàng thương mại trong nước cũng đồng ý cho EVN vay vốn đầu tư các dự án này.

Thưa ông, đến nay EVN vẫn là nhà cung cấp điện chính cho mạng lưới điện quốc gia, xin ông cho biết trong giai đoạn tới Tập đoàn sẽ có những giải pháp cụ thể gì để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, cũng là để giảm áp lực tăng giá điện ?

-Không riêng gì EVN mà đối với các nhà đầu tư khác được Chính phủ kêu gọi, khuyến khích đầu tư như các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT, hoặc các nhà máy điện độc lập… Hiện nay một số chủ đầu tư cũng đang tiến hành các thủ tục tiến hành đầu tư. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ ngành có liên quan triển khai sớm các thủ tục để sớm đưa các dự án này vào vận hành, cũng là để giảm áp lực vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là EVN.

Tới đây EVN chỉ tập trung vào các dự án trọng điểm, đa mục tiêu và tập trung vào các dự án lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối.

Trong sơ đồ 7 được Thủ tướng phê duyệt thì EVN cung cấp bao nhiêu phần trăm cho điện lưới quốc gia ?

-Theo tỷ lệ trước đây thì EVN chiếm 38%. Tuy nhiên vừa rồi Chính phủ giao thêm cho EVN một số dự án mới, thì tỷ lệ này cao hơn so với trước đây.

Như vậy khi thực hiện sơ đồ này thì có đảm bảo lộ trình thị trường hóa, minh bạch thị trường điện không?

-Để thực hiện lộ trình thị trường điện, Chính phủ đã có quyết định 23 về thực hiện thị trường điện 3 cấp độ là thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Hiện nay chúng ta đang thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Trong năm 2016 Bộ Công thương, chúng tôi đang nghiên cứu mô hình cho ra đời thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Để thực hiện chủ trương này, đồng thời với lộ trình thì Chính phủ đang chỉ đạo tái cơ cấu ngành điện nói chung và tái cơ cấu EVN nói riêng. Trong tái cơ cấu EVN thì khâu phát điện, ba tổng công ty phát điện sẽ ra cổ phần hóa, và tiến tới sau 2 năm cổ phần hóa nếu các tổng công ty này tự chủ được thì có thể thoái hết vốn của nhà nước và có thể tách ra khỏi EVN. Như vậy trong cạnh tranh khâu phát điện thì EVN chỉ có quản lý các nhà máy đa mục tiêu, mà theo tiêu chí Chính phủ mới ban hành thì có 6 nhà máy đa mục tiêu (ngoài phát điện ra thì có nhiệm vụ thoát lũ, cung cấp nước tưới tiêu). Đối với các nhà máy mới mà EVN xây dựng thì sau này cũng sẽ cổ phần hóa.

Hà Nguyễn (ghi)

Tag :hội đồng thành viên, tập đoàn điện lực, cổ phần hóa, đơn vị phát điện, dự án điện, điện hạt nhân

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget