Dân trí Không chỉ cho rằng, dự Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quy định chặt chẽ về tiêu chí xếp loại, dễ bị lợi dụng, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính khả thi của dự án luật, thậm chí cho rằng, dự luật có chứa một số biện pháp can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
>> Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nếu vi phạm, doanh nghiệp phải bồi thường
Tiền đâu hỗ trợ DNNVV?
Nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu Quốc hội đã được đưa ra bàn thảo quanh dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Phát biểu tại phiên họp tổ hôm nay (9/11), đại biểu Quốc hội Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) cho rằng, cần xem lại tiêu chí xác định "thế nào là DNNVV?".
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nếu không quy định cụ thể về tiêu chí thì khó mà đưa luật này đi vào thực tiễn. Vị đại biểu cho rằng, thay vì phân loại DN theo tiêu chí quy mô (lao động, nguồn vốn) thì nên phân loại theo doanh thu, lợi nhuận. Đây cũng là tiêu chí quản lý của cơ quan thuế.
"Thực tế, nếu dùng tiêu chí vốn để xếp loại DN thì không loại trừ luật này sẽ bị lợi dụng, bởi DN có thể đăng ký vốn pháp định thấp hơn để được hưởng ưu đãi trong khi doanh thu của DN lại lớn", bà Chi lo ngại.
Bà Chi cũng cho rằng, mặc dù trong dự án Luật có nêu sẽ ưu đãi gián tiếp, qua trung gian, tuy nhiên theo nhận định của bà thì với điều khoản ưu đãi về thuế - đây chính là ưu đãi trực tiếp rồi chứ không phải là gián tiếp.
"Tôi rất lo ngại về mặt ngân sách. Nếu không có dự toán cụ thể về gói hỗ trợ thì kế hoạch ngân sách hàng năm và 5 năm có thể bị vỡ. Nên chăng ban soạn thảo cần có đánh giá tác động về ngân sách của dự án luật này, nếu không nêu được cụ thể thì cũng phải ước tính là tiêu tốn bao nhiêu, nguồn đến từ đâu?", bà Nguyễn Vân Chi đề nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM) cũng cho rằng cần xác định rõ tiêu chí DNNVV, từ đó mới tránh được xin - cho trong hỗ trợ DN.
Nêu quan điểm về dự án Luật này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng, với ước tính 97% số DN trên cả nước là DNNVV, với khoảng 520.000 DN thì diện áp dụng là quá rộng.
"Vấn đề đặt ra là nguồn lực Nhà nước có hạn, nên có thể sẽ không thể hỗ trợ hết toàn bộ đối tượng DN nói trên, chính sách khi đi vào thực thi sẽ khó. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lựa chọn tập trung ưu tiên cho những DN tạo giá trị gia tăng cao cho xã hội để phù hợp hơn", ông Bình đề xuất.
Vị đại biểu nhận xét, những hỗ trợ mà dự luật đưa ra mang hướng "trợ cấp" nhiều hơn là "hỗ trợ". Do đó, theo ông Bình cần thay đổi quan điểm "DN cần cái gì hỗ trợ cái đó chứ không phải Nhà nước có cái gì thì hỗ trợ cái đó".
Điều doanh nghiệp cần nhất là phải loại bỏ chi phí không chính thức
Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho rằng, cần có những quy định rõ hơn về chế tài để buộc các bộ ngành và địa phương thực hiện vấn đề hỗ trợ DNNVV. "Nếu trong thực tế, các bộ ngành, địa phương không thực hiện thì xử lý thế nào? Phải hiến kế để gắn trách nhiệm của bộ ngành địa phương vào sự phát triển của DNNVV, như là cấp ngân sách địa phương hay dành quỹ đất sạch cho đối tượng DN này ra sao", ông Bình nói.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Nghệ An) lại nêu quan điểm, cho rằng về phía DN được hỗ trợ cũng phải có sự ràng buộc nhất định. Theo đó, DN muốn hưởng ưu đãi thì phải có sự tăng trưởng, nộp thuế 10 đồng thì hỗ trợ 2 đồng, điều này sẽ tránh được việc lập DN ra chỉ để lợi dụng ưu đãi từ Nhà nước.
Đại biểu Phan Đình Trạc cũng cho rằng, trong quá trình làm luật, nếu quy định không chặt chẽ thì luật này sẽ dễ bị lợi dụng.
"Tôi cũng nghi ngờ về tính khả thi của luật này", Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương thẳng thắn nói. Ông Trạc cho rằng, Luật mới chỉ "gạch đầu dòng" được một số nội dung hỗ trợ, còn để thể chế hóa và đưa những hỗ trợ đó vào thực tế thì còn phải chờ quá trình dài.
Ông Trạc cho rằng, thực tế hỗ trợ cho DN vừa qua cho thấy, DN để nhận ưu đãi rất "khó khăn và gian khổ", chi phí không chính thức để nhận được hỗ trợ có khi còn lớn hơn chi phí hỗ trợ.
"Tôi nghĩ DN đòi hỏi lớn nhất là cải cách hành chính, giảm thời gian cho họ, giảm chi phí không chính thức, bằng sự tận tâm tận lực vô điều kiện của bộ máy công chức Nhà nước. Đây là cái không chỉ DNNVV mà cộng đồng DN nói chung đang cần nhất", vị đại biểu nhìn nhận.
Góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đưa ra nhận xét, dự thảo Luật có chứa một số biện pháp can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của DN. Ví dụ, biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, dự thảo quy định các ngân hàng phải tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua việc cung cấp các khoản vay với lãi suất, thủ tục, điều kiện… phù hợp với DNNVV.
"Không rõ đây có phải là các biện pháp bắt buộc với các ngân hàng không? Nếu không thì quy định trong dự thảo không có ý nghĩa thực tiễn nào; Nếu có thì quy định trong dự thảo đang can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của các ngân hàng thương mại (quy định này chỉ có thể áp dụng đối với các ngân hàng Nhà nước) – và ngay cả khi đây là nghĩa vụ thì cũng quá chung chung, thế nào là tạo điều kiện, thế nào là khoản vay phù hợp?", ông Lộc băn khoăn.
Ngoài ra, vị đại biểu cũng nhận xét, dự thảo Luật lẫn lộn giữa nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước đối với DNNVV và biện pháp hỗ trợ DNNVV. Chẳng hạn, về các biện pháp hỗ trợ gia nhập, rút khỏi thị trường, biện pháp “tạo môi trường, điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính”, theo ông Lộc, đây là nghĩa vụ của Nhà nước, không phải là hỗ trợ - mà ngay cả khi là hỗ trợ thì việc quy định thêm trong luật này cũng không tạo ra ý nghĩa thực tiễn nào.
Bích Diệp
Đăng nhận xét