Phó Chủ tịch nước: Giáo dục và đào tạo là một nghề cao quý

Dân trí Sáng 11/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp mặt đoàn đại biểu giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
 >> Cô giáo miền biển đảo: Mong học sinh chỉ lo học, không phải lo kiếm sống
 >> Cô giáo vùng cao đưa ra nhiều sáng kiến thay đổi cuộc đời học sinh
 >> Chuyện "cõng chữ lên non" của cô giáo Phương ở Mường Tè

Buổi gặp gỡ nhân dịp 42 thầy cô giáo tâm huyết với nghề về thăm Thủ đô Hà Nội và tham dự Lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu năm 2016, nằm trong khuôn khổ chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt đoàn đại biểu giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt đoàn đại biểu giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Tại buổi gặp mặt, các thầy cô giáo đã bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi được gặp mặt Phó Chủ tịch nước. Tại đây, các thầy cô cũng nói lên những nguyện vọng thiết tha để nâng cao hiệu quả dạy và học; đồng thời trình bày quá trình công tác, lý do họ sẵn sàng cống hiến đời mình cho những vùng đất xa xôi, khó khăn về điều kiện vật chất.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã lắng nghe chia sẻ của các thầy cô giáo. Phó Chủ tịch nước khẳng định công tác giáo dục và đào tạo là một nghề cao quý. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự ưu tiên cho công tác giáo dục và xem giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước. Mỗi năm, Nhà nước đã dành từ 20% trở lên ngân sách cho ngành Giáo dục.

Nhìn lại lịch sử năm 1945, nước ta có đến 95% người mù chữ, số người được học và biết chữ chỉ có 5%, Phó Chủ tịch nước tin rằng ngành Giáo dục có quyền tự hào khi đã phổ cập xong tiểu học sau hơn 70 năm, cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở và một số địa phương đã tiến đến phổ cập trung học phổ thông. Trong đó hệ thống trường, lớp phổ thông đã được quan tâm đầu tư; đội ngũ giáo viên đã được bồi dưỡng và tỷ lệ học sinh đến trường, lớp ngày càng cao. Song song với hệ thống phổ thông, hệ thống cao đẳng, đại học đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Hiện nay, cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng. Bình quân có trên 200 sinh viên/1 vạn dân. Đây là một sự phát triển vượt bậc của ngành Giáo dục so với 70 năm trước đây.

Phó Chủ tịch nước cho biết, từ những vùng đảo trước đây còn hoang sơ nay đã được Đảng, Nhà nước đầu tư cơ bản về hệ thống cơ sở vật chất, điện nước quốc gia, hệ thống trường học. Bà cảm thấy rất tự hào khi có những chiến sĩ hải quân, biên phòng, trong đó có cả đội ngũ thầy cô giáo đã có mặt tại những vị trí tiền tiêu này.

Theo Phó Chủ tịch nước, mặc dù hiện nay tốc độc tăng trưởng kinh tế của nước ta khá; chính sách an sinh xã hội, trong đó có văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được đầu tư lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. So với các nước công nghiệp và trong khu vực, Việt Nam vẫn còn kém. Đặc biệt, thời buổi công nghiệp số hóa hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phải vươn lên nhiều hơn nữa; trong đó chắc chắn ngành đóng góp cho sự vươn lên đó không thể không nói đến ngành Giáo dục.

Phó Chủ tịch nước nói rằng ngành Giáo dục phải thực hiện được ba nhiệm vụ, đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Nhiệm vụ này rất cao cả, nhưng cũng hết sức nặng nề đối với ngành Giáo dục. Nhưng chúng ta có quyền tự hào và tin rằng với những trách nhiệm, tình cảm của các thầy cô giáo, ngành Giáo dục sẽ thực hiện thành công Nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, cơ bản nền giáo dục của Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn các thầy cô giáo tiếp tục yêu quý nghề, bám trường dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào; đồng thời tiếp tục dạy tốt, học tốt để gieo mầm nâng cao dân trí cho nhân dân Việt Nam, trong đó có vùng hải đảo. Mặt khác, Phó Chủ tịch nước mong muốn các bậc phụ huynh và toàn xã hội không chỉ dạy chữ, dạy nghề, mà cần phải dạy cách làm người cho các em học sinh.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016” được thực hiện nhằm tuyên dương các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Chương trình do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức. Năm 2015, chương trình đã tuyên dương các thầy cô giáo cắm bản miền núi. Năm 2016, chương trình hướng về các giáo viên đang công tác tại những huyện đảo, xã đảo xa xôi của Tổ quốc.

Lễ tuyên dương các giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo sẽ được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức vào tối 12/11 tại Hà Nội.

Trước đó, vào tối nay ngày 11/11, BTC sẽ gặp gỡ thân mật và trao tặng sổ tiết kiệm cho 42 thầy cô giáo tiêu biểu. Mỗi thầy cô nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và quà tặng.

Mai Châm

Tag :sự nghiệp giáo dục, tuyên dương giáo viên tiêu biểu, Chia sẻ cùng thầy cô, ngành Giáo dục

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget