Dân trí Có rất nhiều người vì yêu nhau mà sẵn sàng vượt qua mọi rào cản ngăn cách, thậm chí còn từ bỏ cả gia đình để đến với nhau. Vậy mà cuối cùng lại không thể vượt qua những va chạm nhỏ nhặt khi sống chung. Tại sao lại thế?
>> Hạnh phúc giản dị thôi
>> Nếu còn có ngày mai
>> Ngày hôm qua
Chị nhắn tin cho tôi: “Anh chị quyết định li hôn rồi em ạ. Cũng không biết đúng hay sai, cũng không hiểu sao lại đến nông nỗi này nữa. Chị thực sự rất mệt mỏi”. Tôi đọc tin chị gửi xong, người ngẩn ngơ bần thần đến mấy phút, trong kí ức bỗng chỉ nhớ về tình yêu của chị với những điều đẹp đẽ.
Ngày xưa tôi ở cùng phòng kí túc xá với chị. Chị học cùng khoa, trên tôi một khóa. Nhìn chị đúng chất là con gái khoa Văn: xinh đẹp, dịu dàng, khéo nói, hát hay, làm thơ cũng rất hay. Người yêu chị là sinh viên trường bách khoa, chu đáo, tình cảm và nhiệt thành không chỉ với chị mà với cả lũ em út chúng tôi, khiến những đứa chưa có mảnh tình vắt vai nào như tôi luôn ước ao và ngưỡng mộ. Tôi ở cùng chị hai năm, chứng kiến tình yêu của anh chị đủ mọi cung bậc yêu thương nồng đượm. Chị là gái miền Trung, anh là trai miền Bắc. Tưởng tình yêu sinh viên chỉ là những kỉ niệm, vậy mà sau ba năm ra trường, chị gọi điện cho tôi mời dự đám cưới. Dù xa xôi nhưng vì thân thiết, tôi không ngại xa xôi đến chúc phúc cho anh chị. Nhìn chị váy trắng thướt tha bên chú rể hân hoan rạng ngời sau sáu năm yêu nhau, tôi tin tình yêu đích thực sẽ vượt qua cả không gian và thời gian để tìm về một miền hạnh phúc trọn vẹn.
Hôm nay nhận tin nhắn của chị, lòng không khỏi những nuối tiếc ngẩn ngơ. Đã đôi lần trò chuyện chị có tâm sự rằng hôn nhân và tình yêu là hai khoảng trời khác biệt, rằng anh đã khác ngày xưa rất nhiều. Và có đôi lần chị nói rằng chị buồn đến phát khóc. Tôi vẫn nghĩ rằng hôn nhân nói chung đều vậy cả. Không ai dám chắc một tình yêu đẹp sẽ có một hôn nhân hoàn hảo. Bởi qua giai đoạn mơ mộng yêu thương, hôn nhân khiến người ta lột trần tính cách nhau ra không cách nào che đậy. Tất nhiên sẽ có thất vọng bởi những va chạm, và cả những nhược điểm khi yêu không nhìn thấy. Và người ta phải học cách yêu nhau theo một cách khác, rộng lượng và bao dung hơn.
Hồi biết chị yêu xa bố mẹ chị đã nhất định phản đối vì chị là con gái một trong nhà. Họ lo cho chị công việc trong một cơ quan nhà nước để giữ chân chị, nhưng rồi chị vẫn nhất quyết yêu và đến với anh. Chị đi lấy chồng, mẹ chị khóc đứng khóc ngồi vì thương vì nhớ, cha chị cũng buồn hẳn đi. Vì yêu chị chẳng ngại xa xôi, chẳng ngại những bất đồng về cách ăn cách ở của hai miền có phần dị biệt. Vậy mà mới chỉ sau hai năm chung sống, anh chị đã quyết định dắt nhau ra tòa. Mà lý do nào có chi to tát đâu. Bắt đầu chỉ là những vô tâm nhỏ nhặt, những trách hờn vu vơ. Người này cho rằng người kia đã thay đổi, người kia bảo rằng người này đã bớt yêu, rồi trách móc nhau, dằn vặt nhau, rồi mệt mỏi và xa nhau dần.
Có cô em từng nói với tôi: Em và người ấy từng yêu nhau tưởng cái chết mới có thể chia lìa. Em đã từng nghĩ hai người xa nhau phải là vì cái gì đó to tát lắm, như là phát hiện ra hai người có họ hàng với nhau, hay là một trong hai người phản bội chẳng hạn. Thế nhưng cuối cùng lại chia tay chẳng phải vì điều gì lớn lao cả, chỉ là tự nhiên cảm thấy mọi thứ trở nên nhạt nhẽo dần rồi chán nhau.
Thực ra một tình yêu đẹp không nhất thiết phải kết thúc bằng một đám cưới. Người ta cần một đám cưới, cần một tờ giấy đăng kí kết hôn chẳng qua chỉ để có thứ mà ràng buộc nhau khi không còn yêu nhau nữa. Nếu hai người thực sự yêu nhau, cần nhau và muốn bên nhau thì chẳng cần một điều kiện nào níu giữ hay ràng buộc cả. Một chàng trai đã từng nói với tôi như vậy khi giải thích rằng tại sao cậu ấy và bạn gái sống chung với nhau nhiều năm mà không đăng kí kết hôn, không đám cưới. Lập luận này nghe qua không phải không có lý. Nhưng tình yêu vốn chỉ cần cảm xúc, còn hôn nhân thì cần có cả trách nhiệm và ý chí. Không có sự ràng buộc bởi những mối quan hệ và con cái, người ta lấy cái gì để làm điểm tựa mà cố gắng, giữ gìn?
Có rất nhiều người vì yêu nhau mà dám vượt qua mọi rào cản, sẵn sàng băng sông vượt núi, chuyển nơi ở, chuyển công việc, thậm chí còn từ bỏ cả gia đình. Vậy mà cuối cùng lại không thể vượt qua những va chạm nhỏ nhặt khi sống chung. Tại sao lại thế? Hóa ra yêu nhau chưa bao giờ là dễ dàng. Người ta nói bát đũa còn xô nhau, huống chi hai người khác nhau về mọi thứ sống chung làm sao tránh khỏi những bất đồng, khúc mắc. Yêu nhau là một chuyện, giữ gìn và nuôi dưỡng tình yêu lại là chuyện khác. Tình yêu sau hôn nhân không còn đơn thuần chỉ là cảm xúc rung động của con tim hay sự khát khao thể xác. Tình yêu sau hôn nhân muốn bền vững cần có cả tình thương, sự thấu hiểu và sẻ chia.
Một người chồng tốt là một người có thể không còn nói những lời ngọt ngào, không còn những hành động lãng mạn như ngày đang yêu, nhưng anh nhất thiết phải biết dỗ vợ khi làm vợ khóc, quan tâm khi thấy vợ mệt mỏi ốm đau. Anh có thể tức giận, có thể nặng lời với vợ, nhưng chỉ đủ để vợ hiểu là cô ấy đã sai chứ đừng để cô ấy cảm thấy mình bị tổn thương, xúc phạm. Anh có thể không còn nói ra ba từ thần thánh “anh yêu em”, nhưng anh nhất thiết phải thể hiện để vợ anh hiểu rằng anh rất yêu cô ấy.
Ai bảo yêu nhau là dễ chứ bản thân tôi thì thấy rằng khó lắm. Làm sao để đủ dịu dàng, đủ ấm áp, đủ thông cảm, đủ bao dung? Làm sao có thể kề cận nhau mà vẫn có khoảng riêng tư cần thiết? Làm sao để có thể không cần kiểm soát nhau mà vẫn hoàn toàn tin tưởng? Làm sao có thể buông tay ra một chút mà không sợ lạc mất nhau giữa biển người đông đúc? Sự thật là người ta chỉ mất ba giây để nói ra câu “Anh yêu em” hoặc “Em yêu anh” nhưng lại phải dùng cả đời để chứng minh điều đó.
Vậy nên, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh những cụ ông cụ bà tóc bạc trắng cùng nhau đi dạo trong công viên, cùng ngồi với nhau móm mém cười hay dùng bàn tay nhăn nheo của mình nắm lấy bàn tay nhăn nheo của người bạn đời trên chiếc giường bệnh luôn khiến tôi xúc động mãnh liệt. Nó đáng ngưỡng mộ hơn tất thảy những màn quỳ gối cầu hôn hay sẵn sàng chết vì yêu của những người trẻ. Chẳng ai biết họ đã cùng nhau trải qua những gì để cuối đời có thể bình yên bên nhau như thế. Nhưng có lẽ cũng chẳng cần bận tâm quá nhiều về những tháng ngày đã trải. Bởi cái giá phải trả cho những bão giông thời son trẻ chẳng phải là để có thể nắm tay nhau một cách bình yên khi về già hay sao?
Lê Giang
Đăng nhận xét