Dân trí Theo báo cáo và ước tính của Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng thiên tai bão lũ trong năm 2016 đã khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 18.300 tỷ đồng, bằng 0,4% tổng GDP của nền kinh tế trong năm 2016 (4 triệu 500 nghìn tỷ đồng).
>> Mỗi năm, Việt Nam có thể thiệt hại 5% GDP vì ô nhiễm môi trường
>> Tăng trưởng có thể đạt 7% nhưng thiên tai làm giảm 0,6% GDP mỗi năm
Đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2016 tần suất thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương, các đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng ở miền núi phía Bắc, mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung, khô hạn ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long... đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của dân cư.
Theo báo cáo, mưa lũ nhấn chìm 258,3 nghìn ha lúa, 113,2 nghìn ha hoa màu và 49,8 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 52,1 nghìn con gia súc, 1.679,5 nghìn gia cầm và hơn 1 nghìn tấn thủy sản các loại bị chết.
Một số địa phương bị thiệt hại nhiều: Quảng Bình và Thái Bình nhiều diện tích lúa, hoa màu và gia súc chết do mưa lũ. Nhiều tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chịu thiệt hại nặng của lũ lụt. Trong khi đó hạn hán xảy ra ở Nam Trung Bộ, lũ lụt đã làm suy giảm mạnh đàn gia súc, vật nuôi và cây trồng. Thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm ước tính gần 18.300 tỷ đồng, trong đó Quảng Bình thiệt hại 2,9 nghìn tỷ đồng và Thái Bình thiệt hại 2,6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, thiên tai đã và đang gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng trên 50 tỷ đồng/ngày.
Đặc biệt, hai đợt lũ cuối tháng 11 và giữa tháng 12 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã tàn phá nhiều nhà cửa, hoa màu và tài sản của nhân dân. Thiệt hại ước tính khoảng 2.600 tỷ đồng, trong đó Bình Định chịu thiệt hại nặng nhất là khoảng 1.200 tỷ đồng.
Đáng nói, năm 2016, hiện tượng hạn hán xảy ra thường xuyên hơn ở các tỉnh ĐBSCL, khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu và cây trái của bà con nông dân bị hạn mặn, nước biển xâm nhập. Dự báo sản lượng lúa năm 2016 sẽ giảm sút và thiên tai đang làm giảm tăng trưởng GDP của hầu hết địa phương ĐBSCL.
Năm 2016 ghi nhận năm tăng trưởng của Việt Nam giảm sút, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,78%; quý III tăng 6,56%; quý IV tăng 6,68%.
Mức tăng trưởng năm nay thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra. Đáng nói, khu vực nông lâm thủy sản tập trung hơn 60% dân số tăng trưởng thấp nhất trong các ngành chỉ đạt 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 khi chỉ đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Theo nhận định của đại diện Tổng cục Thống kê, năm 2016 có nhiều thiên tai diễn biến thất thường, lũ lụt, hạn hán và ngập mặn. Mưa rét kéo dài, ô nhiễm môi trường, sông ngòi và biển... đã ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết, rét đậm, rét hại đầu năm tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; liên tục những đợt lũ trong các tháng cuối năm tại các tỉnh miền Trung và sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng 4 tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gây ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất của khu vực này.
Nguyễn Tuyền
Đăng nhận xét