Án xâm hại trẻ em: Sao chỉ khi lãnh đạo Nhà nước lên tiếng mới xử lý được?

Dân trí Dẫn chứng vụ việc gần đây nhất, một bé gái bị xâm hại, vụ án được khởi tố nhưng nửa năm mà vẫn không khởi tố được bị can khiến dư luận bức xúc, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt câu hỏi, sao khi lãnh đạo Nhà nước có ý kiến chỉ đạo thì lại khởi tố được?
 >> Hà Nội: Nghi vấn bé gái 3 tuổi bị xâm hại ở trường mầm non
 >> Dấu hiệu vi phạm tố tụng trong vụ cháu bé 8 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội

Ngày 27/3, UB Tư pháp phối hợp với UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuộc họp với các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Mỗi năm trên 1.000 vụ

Phiên điều trần do UB Tư pháp phối hợp với UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức.
Phiên điều trần do UB Tư pháp phối hợp với UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong 5 năm từ 2012-2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ, chiếm khoảng 65%. Tuy nhiên con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, tính bình quân mỗi năm có trên 1.000 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em với diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Có em bị xâm hại khi chỉ vài tháng tuổi, đặc biệt nhiều người xâm hại lại có quan hệ họ hàng với nạn nhân,... Nhiều vụ gia đình nạn nhân ngại, chưa khai báo nên cũng chưa phán ánh đúng thực trạng.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Minh Quang cũng đánh giá, đây là vấn đề nóng và bức xúc: “Thời gian qua, ngành y cũng "nóng" vì phải tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến giám định pháp y về vấn đề xâm hại trẻ em. Tính chất mức độ các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khi qua giám định pháp y 2.000 trường hợp có dấu hiệu vi phạm hàng năm thì các vụ xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên chiếm đến 1/3. Báo cáo của các bệnh viện phụ sản và bệnh viện nhi trong năm 2016 và quý 1-2017 cho biết, có 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con do bị hiếp dâm, là con số cần suy nghĩ”.

Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, tình hình trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, có một số vụ coi thường pháp luật. Các số liệu thống kê vẫn chưa phản ánh hết, nhưng tính riêng trong số trên 1000 vụ của năm 2016 thì có tới 84% trẻ em gái bị xâm hại tình dục.

Cái khó trong việc xử lý hành vi xâm hại trẻ là yêu cầu chứng cứ, quan điểm “trọng chứng”, nhiều khi gây khó trong việc xử lý. Bên cạnh đó, trong mỗi gia đình, quan điểm hầu hết vẫn là e ngại việc tố giác tội phạm. Nạn nhân cũng chưa nhận thức đầy đủ vấn đề nên không thông tin cho người khác, chưa kể nhiều trường hợp án do chính người trong gia đình gây ra.

Khởi tố vụ án nửa năm mà không khởi tố được người xâm hại trẻ

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu nhiều câu hỏi với các cơ quan có trách nhiệm trong phiên điều trần.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu nhiều câu hỏi với các cơ quan có trách nhiệm trong phiên điều trần.

Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự C45 - Bộ Công an giải thích những vướng mắc trong việc xử lý hình sự trong nhiều vụ án là do vụ việc được phát hiện chậm, gia đình nạn nhân mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ nên phải sau một thời gian khá lâu mới khai báo. Trong thời gian đó, chứng cứ thường đã bị tiêu hủy, làm ảnh hưởng đến công tác điều tra với đối tượng phạm tội.

Theo ông Vĩnh, hầu hết trẻ em bị xâm hại đều nhỏ tuổi, không có nhân chứng nên việc khai báo không chính xác, chủ yếu chỉ qua lời dặn của bố mẹ. Việc đó làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, khám phá.

Ngoài ra, những khó khăn khách quan khác cũng phổ biến như việc thu thập chứng cứ không đồng thuận giữa các cơ quan khi không có nhân chứng, vật chứng, chỉ qua lời kể, nhiều khi đối tượng đã bỏ trốn.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, vụ án gần đây nhất, dư luận bức xúc khi người bị hại có đơn đề nghị đưa cháu bé đến cơ quan công an, rồi luật sư vào cuộc, vụ án được khởi tố nhưng nửa năm mà vẫn không khởi tố được bị can, các cơ quan tố tụng cứ bị đưa đi đẩy lại do không đủ chứng cứ.

“Nhưng tại sao khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến chỉ đạo thì lại khởi tố được? Phải chăng việc xử lý tin báo tố giác chưa tốt, chưa tích cực trong củng cố chứng cứ điều tra?” – bà Nga đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đề nghị làm rõ tại sao con số các vụ án, từ khâu khởi tố đến lúc xét xử lại giảm nhiều? Có bao nhiêu vụ việc đi đến khởi tố được từ tin báo tố giác tội phạm? Quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ trẻ em này hiện có tới 9 cơ quan liên quan nhưng ai chủ trì? Khoảng trống của luật pháp trong vấn đề này thế nào? Trách nhiệm cụ thể của từng bộ ngành ra sao?

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời, gần đây Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp có chỉ đạo, yêu cầu làm rõ một số vụ xâm hại tình dục trẻ em. Hiện Bộ đang trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị tăng cường đấu tranh phòng chống xâm hại trẻ em, đồng thời cũng đang trình Chính phủ Nghị định chăm sóc bảo vệ trẻ em, trong đó có quy định cụ thể về các vấn đề này, dự kiến ngày 10/4 sẽ ban hành Nghị định.

P.Thảo

Tag :xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục, xâm hại tình dục trẻ em

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget