Động thái lạ của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, khủng hoảng Syria sắp đến hồi kết?

Trong cùng một ngày, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng loạt đưa ra những tiếng nói quan trọng liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị và chiến sự tại Syria kéo dài suốt 6 năm qua.
 >> Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kết thúc chiến dịch Lá chắn Euphrates ở bắc Syria
 >> Hiểm họa mất ít nhất 30% lãnh thổ Syria vào tay Mỹ

Khủng hoảng chính trị và nội chiến tàn phá đất nước Syria. Ảnh: Independent
Khủng hoảng chính trị và nội chiến tàn phá đất nước Syria. Ảnh: Independent

Mỹ nhún nhường, Thổ Nhĩ Kỳ rút quân

Phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York vào hôm qua 30/3, Đại sứ Nikki Haley cho biết, Mỹ đang chú trọng vào việc hợp tác với các nước như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến Syria hơn là tập trung vào tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad.

Đại sứ Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi đang hướng tới việc thay đổi các ưu tiên và ưu tiên của chúng tôi sẽ không còn tập trung vào việc lật đổ ông Assad”.

Đại sứ Nikki Haley cho biết Mỹ tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến Syria hơn là tập trung vào tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters
Đại sứ Nikki Haley cho biết Mỹ tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến Syria hơn là tập trung vào tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát đi thông điệp tương tự, khi ông cho rằng “địa vị lâu dài của Tổng thống Assad sẽ do người dân Syria quyết định”.

Cũng trong sáng 30/3 Thủ tướng Binali Yildirim cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng các hoạt động quân sự của nước này ở miền Bắc Syria.

Theo người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội đã hoàn thành xuất sắc chiến dịch Lá chắn Euphrates ở phía Bắc quốc gia láng giềng Syria.

“Từ nay trở đi, nếu phải đối diện với bất kỳ hành động nào của ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) tự xưng, hoặc bất cứ mối đe dọa nào liên quan đến an ninh quốc gia chúng tôi, thì sẽ là một hoạt động quân sự mới”, Thủ tướng Binali Yildirim nói, đồng thời khẳng định, chiến dịch quân sự mới, nếu xảy ra, sẽ mang một tên khác.

Nga muốn “chung chiến tuyến” với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ

Phát biểu tại Diễn đàn Bắc cực diễn ra ở thành phố Arkhangelsk miền Bắc nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/3 cho rằng, sự hợp tác giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đang được cải thiện.

Theo Tổng thống Putin, mặc dù còn những bất đồng, nhưng mối quan hệ hợp tác thực sự đang được thiết lập và ngày càng sâu sắc hơn. Việc Mỹ quan tâm đến phát triển mối quan hệ hợp tác về Syria là một dấu hiệu tốt.

Ông Putin cũng khẳng định sẽ hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến chống khủng bố.

“Nga và Mỹ vẫn có những điểm chung là cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Mục tiêu tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump là đúng đắn và Nga sẽ ủng hộ cho nỗ lực này của Mỹ”, ông Putin nói, đồng thời khẳng định Nga không chỉ hợp tác với Bộ Ngoại giao Mỹ mà còn cần hợp tác với Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tổng thống Nga Putin khẳng định sẽ hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: RT
Tổng thống Nga Putin khẳng định sẽ hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: RT

Chiều cùng ngày, ông Konstantin Kosachev, chủ nhiệm Ủy ban quốc tế tại Hội đồng Liên bang Nga hôm 30/3 phát đi thông điệp, nhấn mạnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác chống khủng bố ở Syria, sự hợp tác này cần được mở rộng cho đến khi đập tan các phiến quân ở quốc gia Trung Đông này.

“Chúng ta đã và đang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ không trong khuôn khổ hoạt động chiến dịch Lá chắn Euphrates, vốn được bắt đầu không có thỏa thuận với chính quyền Syria và với ý nghĩa này là không hợp pháp, rất tốt là nó đã kết thúc”, Thượng nghị sĩ Kosachev cho biết.

Theo quan chức Nga, sự tương tác được tổ chức theo định dạng "bộ ba Astana" và có thống nhất về các thông số, mục đích với chính quyền Syria.

“Sự hợp tác này, nếu vẫn trong khuôn khổ thỏa thuận ba bên đã đạt được, nhất định sẽ cần phải được tiếp tục cho đến khi đánh bại hoàn toàn các nhóm khủng bố ở Syria”, Thượng nghị sĩ Kosachev nói.

Khủng hoảng Syria sắp có hồi kết?

Kể từ năm 2011, thời điểm xung đột ở Syria bùng nổ, Washington khẳng định rằng “ông Assad phải ra đi” bởi đó là giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được vì hòa bình ở đất nước này.

Mỹ cũng đã cung cấp vũ khí và huấn luyện cho những gì mà nước này gọi là “quân nổi dậy ôn hòa” ở Syria.

Tuy nhiên “toàn bộ tình thế đã thay đổi” khi Nga can thiệp quân sự ở Syria vào tháng 9/2015 theo đề nghị của ông Assad.

Sau hơn 1 năm có sự tham chiến của Nga, thế trận ở Syria đang phát triển theo hướng có lợi cho quân đội trung thành với Tổng thống Assad, giúp ông này củng cố quyền lực.

Có thể nói, Mỹ đã thất bại trước Nga trong vấn đề Syria. Moscow đã bảo vệ được đồng minh Assad của họ bất chấp những cuộc tấn công dồn dập trên mọi mặt trận của Mỹ và phương Tây.

Như nhận thấy rất rõ điều đó, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh quyết liệt vào mục tiêu đánh bại tổ chức khủng bố IS, thay vì “vùi dập” chính quyền ông Assad như chính sách của người tiền nhiệm.

Trong khi đó, ở thực địa, sau khi giành lại một số khu vực chiến lược, quân đội Syria tiếp tục phát động hàng loạt các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm giành lại vùng lãnh thổ rộng lớn từ tay IS, đặc biệt tại miền Bắc Syria.

Ngoài ra, lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng giành lại từ tay IS nhiều khu vực dọc đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ tới phía Bắc thị trấn Deir Hafer.

Liên minh người Kurd và du kích người Arập được Mỹ hậu thuẫn- tổ chức Lực lượng Dân chủ Syria - cũng đã chiếm được nhiều khu vực phía Tây sông Euphrates và đang tìm cách cô lập pháo đài của IS tại Raqqa.

Hoà bình sắp trở lại với người dân Syria? Ảnh: ABC
Hoà bình sắp trở lại với người dân Syria? Ảnh: ABC

Có thể thấy, các mũi tấn công dù là của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn, hay các phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ và Liên minh người Kurd, du kích người Arập được Mỹ hậu thuẫn, tất cả đều hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khủng bố IS ra khỏi Syria và Trung Đông.

Với kịch bản trên, Syria hoàn toàn có thể “chia năm xẻ bảy” sau khi IS hoàn toàn “diệt vong”. Tuy nhiên, có một sự thật chắc chắn rằng, xung đột Syria có thể sẽ chấm dứt từ thời điểm này.

Theo Tùng Dương (tổng hợp)

Tiền Phong

Tag :khủng hoảng Syria, tổng thống Assad, Nhà nước Hồi giáo, chiến dịch quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ, Assad

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget