Chương trình GDPT tổng thể: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải đi trước một bước

Dân trí Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông. Trong đó, vừa bồi dưỡng giáo viên có các năng lực thực hiện nhiệm vụ, vừa tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại với những giáo viên dạy liên môn hoặc các môn học mới.
 >> Năm 2018-2019 khó thực hiện đại trà chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
 >> Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cần đặt chất lượng lên hàng đầu
 >> 4 điểm cần bổ sung cho Dự thảo chương trình giáo dục tổng thể

Ngay sau khi chương trình phổ thông tổng thể được công bố rộng rãi, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về các điều kiện để triển khai thực hiện như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Để giúp dư luận hiểu hơn về những việc ngành Giáo dục đã và đang làm để chuẩn bị cho lần đổi mới này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQLGD, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Đức Minh.

 Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo

Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo

Đội ngũ giáo viên luôn đổi mới từng ngày để phù hợp với chương trình

PV: Thưa ông Hoàng Đức Minh, dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm tới dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, sự thay đổi về số lượng cũng như sự xuất hiện của nhiều môn học mới được đặt trong sự so sánh với khả năng đáp ứng yêu cầu đội ngũ giáo viên. Ngành Giáo dục đã làm gì để dư luận có thể yên tâm về lần đổi mới này?

Triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Chính phủ ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

Bộ cũng đã tổ chức hội thảo - tập huấn về đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo định hướng tiếp cận năng lực để đào tạo, bồi dưỡng giáo đáp ứng định hướng chương trình sách giáo khoa mới cho 115 cơ sở đào tạo giáo viên trên toàn quốc.

Đồng thời, Bộ đã tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên chú trọng phát triển các năng lực nền tảng như: dạy học phân hóa, tích hợp; phát triển chương trình nhà trường; đánh giá năng lực học sinh, năng lực ngoại ngữ, tin học và các năng lực tổ chức các hoạt động học tập của học sinh để giải quyết những vấn đề của đời sống thực; thực hiện bài tập, thí nghiệm với các phương pháp dạy học nhằm phát huy sự sáng tạo của học sinh hay các sinh hoạt tập thể, hỗ trợ học sinh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo,...

Các giáo viên đã và đang cụ thể hóa các kết quả bồi dưỡng trong việc thực hiện chương trình phổ thông hiện hành cũng như chủ động đổi mới các hoạt động dạy và học.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, lần đổi mới này không phải từ cũ hoàn toàn sang mới hoàn toàn mà đã có một giai đoạn kết nối bằng sự đổi mới trong quá trình dạy và học ở các cấp học.

Chính vì thế, đội ngũ giáo viên không phải đến thời điểm này mới tiếp cận với đổi mới mà họ vẫn đổi mới hằng ngày để thích ứng với sự thay đổi của chương trình cũng như yêu cầu thực tiễn.

PV: Được biết ngành giáo dục đang triển khai rất nhiều các chương trình, dự án đào tạo giáo viên như Chương trình ETEP, Dự án GREP. Ông có thể nói rõ hơn về những chương trình, dự án này cũng như những công việc ngành Giáo dục đang và sẽ làm trước khi chương trình phổ thông mới được triển khai?

Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành xây dựng các chuẩn mới, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện các chuẩn hiện có, tiếp cận những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa để có được bộ công cụ hữu hiệu nhất trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ.

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục sẽ căn cứ cách tiếp cận định hướng phát triển năng lực của các chuẩn nghề nghiệp để xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng trong đào tạo. Chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo giáo viên phải ở mức 1 (mức đạt) của chuẩn nghề nghiệp.

Triển khai các chương trình, dự án, chúng tôi sẽ tổ chức bồi dưỡng và ổn định đội ngũ giáo viên cốt cán cho các cấp học phổ thông theo địa bàn từng trường, từng huyện, từng tỉnh. Đội ngũ này tuyển từ những giáo viên có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi, trình độ đào tạo cao để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, sẽ thực hiện đổi mới công tác bồi dưỡng thường xuyên theo hướng thực sự tăng cường tính tự học, tự bồi dưỡng của người học, trách nhiệm của nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục.

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải đi trước một bước, hiện nay, Bộ đã hoàn thành quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông. Trong đó vừa bồi dưỡng giáo viên có các năng lực thực hiện nhiệm vụ, vừa tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại với những giáo viên dạy liên môn hoặc các môn học mới.

 Các địa phương cần phải đảm bảo các chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới.

Các địa phương cần phải đảm bảo các chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới.

Cân đối chỉ tiêu tuyển sinh các loại hình đào tạo giáo viên

PV: Hệ thống các trường sư phạm sẽ tham gia vào quá trình tạo ra sự yên tâm về đội ngũ giáo viên phục vụ cho đổi mới như thế nào, thưa ông?

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận rõ vai trò của hệ thống các trường sư phạm trong cả nước đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chính vì vây, thời gian qua đã dành sự quan tâm cho hệ thống này.

Hiện nay, Bộ đang thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng sư phạm một cách hợp lý; đảm bảo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với các trường khu vực, các trường sư phạm trọng điểm; tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, các cơ sở bồi dưỡng nhà giáo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở dự báo về nhu cầu giáo viên và căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ sẽ cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh, tăng chỉ tiêu đào tạo các loại hình giáo viên còn thiếu, đảm bảo đủ giáo viên cho các môn học: ngoại ngữ, âm nhạc, mĩ thuật, thể dục, nghệ thuật, công nghệ, tin học, giáo dục quốc phòng, giáo dục công dân,… tạo sự cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên các cấp bậc học.

PV: Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra yêu cầu gì với các địa phương trong việc phối hợp chuẩn bị về đội ngũ giáo viên?

Trước hết, các địa phương cần chủ động và chịu trách nhiệm cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Bộ trong việc triển khai thực hiện các công việc liên quan, lưu ý bố trí giáo viên đủ và đúng đối tượng để đi bồi dưỡng cũng như đào tạo lại đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới theo lộ trình quy định.

Các địa phương cũng cần chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn cũng như các cơ sở khác ngoài địa bàn để đặt hàng đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của địa phương

Một vấn đề quan trọng nữa mà các địa phương cần phải làm là đảm bảo các chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt An

Tag :đề án đổi mới chương trình, Giáo dục phổ thông, ngành giáo dục, Cục trưởng Cục Nhà giáo

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget