Cụ bà 84 tuổi ngừng tim ngoại viện được cứu sống một cách kỳ diệu

Dân trí Đó là câu chuyện được cứu sống từ cửa tử của bà Phan Thị Hoan đang điều trị tại khoa Tim mạch, BVHNĐK Nghệ An.

Ngày 1/5, khoa Tim mạch - BVHNĐK Nghệ An cho biết, sau hơn 1 tuần được hồi sức tích cực và đặt stent động mạch vành kịp thời, đến hôm nay bệnh nhân Phan Thị Hoan (84 tuổi, quê ở Đô Lương) được cứu sống diệu kỳ.

Hồi 1h sáng ngày 18/04, bà Hoan xuất hiện cơn đau ngực dữ dội và nhanh chóng ngất lịm. Ngay lập tức, bà được gia đình đưa đi cấp cứu tại BVĐK huyện Đô Lương và chuyển tuyến lên BVHNĐK Nghệ An lúc 05h sáng.

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng tim đã ngừng đập, ngừng thở; các bác sỹ khoa Cấp cứu đã khẩn trương tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân được sốc điện liên tục 15 lần, kèm theo ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản và dùng thuốc vận mạch adrenalin trong suốt gần 1 tiếng đồng hồ, tim bệnh nhân mới đập trở lại.

Xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, cuộc hội chẩn liên khoa Cấp cứu và đội ngũ can thiệp Tim mạch được tiến hành song song với việc cấp cứu ngừng tim. Ngay khi các bác sỹ cấp cứu cho tim bệnh nhân đập trở lại, phương án chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu được nhận định là cách duy nhất có thể cứu sống bệnh nhân và có thể tránh được việc ngừng tim trở lại. Vì thế, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển tới phòng Can thiệp mạch để tiến hành can thiệp tim mạch trong tình trạng hôn mê, bóp bóng qua nội khí quản liên tục và đang truyền adrenalin tĩnh mạch để nâng huyết áp.

Bác sỹ đang kiểm tra lại cho cụ Hoan sau khi được cứu sống (Ảnh: Hoàng Yến)
Bác sỹ đang kiểm tra lại cho cụ Hoan sau khi được cứu sống (Ảnh: Hoàng Yến)

Thạc sỹ, BS. Nguyễn Huy Lợi - Phó trưởng khoa Tim mạch, bác sỹ chính của ê kip can thiệp tim mạch cho biết: “Kết quả chụp động mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành bên phải, hẹp gần tắc động mạch liên thất trước (trên 90%). Chúng tôi đã đặt thành công 2 stent vào đoạn động mạch vành phải, lấy huyết khối khơi thông dòng chảy cho mạch vành bị tắc”.

Sau ca can thiệp tim mạch, bệnh nhân Hoan được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, theo dõi sát sao tại khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc trước khi được chuyển về khoa Tim mạch. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, không đau ngực, nói chuyện được, ăn uống tốt..

Anh Dương Phú Cường, con trai bệnh nhân không giấu nổi niềm vui vì mẹ đã được cứu sống: “Khi mẹ ngừng thở, ngừng tim, gia đình tôi đã tuyệt vọng. Chuẩn bị mọi việc cho tình huống xấu nhất, không thể ngờ mẹ đã được các bác sỹ cứu sống. Cảm kích rất nhiều, dù gia đình đã viết cam kết xin cho mẹ về, nhưng các bác sỹ vẫn cố gắng cứu mẹ đến cùng”.

Nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp nặng có tỉ lệ tử vong rất cao, đặc biệt ở khi có biến chứng ngừng tuần hoàn. Để đạt được thành công, quy trình chẩn đoán, cấp cứu, hội chẩn và ra quyết định xử trí phải được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hợp lý.

Kỹ năng cấp cứu và thực hiện kỹ thuật, thủ thuật thành thạo kết hợp với trang bị cần thiết cũng là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công. Mặc dù bệnh nhân bị ngừng tim trong thời gian dài nhưng với sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ của khoa cấp cứu, khoa tim mạch và khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hồi phục hoàn toàn.

Hoàng Yến

Tag :tim ngoài lồng ngực, nhồi máu cơ tim cấp, cứu sống bệnh nhân, can thiệp Tim mạch, khoa Cấp cứu, Cứu sống bệnh nhân 84 tuổi, bệnh nhân Đô Lương, BVHNĐK Nghệ An

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget