Dân trí Do không có nơi ở bán trú, 40 học sinh người Dao ở trường tiểu học Trần Bội Cơ, xã Đắk Môl, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) phải ở trong những căn nhà lán chật chội, ẩm thấp.
>> Cảm phục sáng kiến cô giáo vùng cao giúp học sinh dân tộc hiểu rõ chính tả tiếng Việt
>> Cảm phục học sinh lớp 5 cứu sống hai em nhỏ bị đuối nước
Vượt khó đến trường
Con đường sình lầy từ điểm trường Trần Bội Cơ dẫn về nơi ở của các em học sinh người Dao cách nhau khoảng hơn 1 km. Những chiếc xe máy khi đi qua đoạn này lốp phải được “tăng bo” bằng xích ở hai bánh. “Đoạn đường này về mùa mưa ngập bùn triền miên. Chúng tôi muốn đi qua đoạn này phải sử dụng xe “đặc chủng’. Còn không thì phải đi bộ, hoặc sử dụng xe cày, bánh cuốn xích mới qua được” – ông Nguyễn Văn Mai, người dân địa phương cho biết.
Sau 30 phút di chuyển trên con đường ngập bùn, giáo viên điểm trường Trần Bội Cơ dẫn chúng tôi về nơi lưu trú của các em học sinh người Dao. Căn nhà nhỏ, rộng chưa đến 10m2 nằm ở ngoài mé ruộng, là nơi ở của em Lý Gia Lâm (học sinh lớp 5). Lâm ở tại căn nhà này cũng đã được 5 năm nay.
Căn nhà ở của các em thiếu thốn trăm bề. Chiếc giường được ghép thành từ thân cây bạch đàn cọc cạch, không có bàn để học. Được bày trí gồm một cái bếp củi và một cái kệ dùng để đựng thức ăn và lương thực. Chúng tôi không thể tin vào mắt mình, khi chứng kiến phía dưới giường là bùn sình lầy, mùi ẩm thấp đùn lên khó chịu. “Bọn em ở đây lâu ngày nên đã quen rồi. Có nơi ở là may mắn lắm rồi. Em là người lớn tuổi nhất phòng, các em nhỏ chưa quen nơi ở này, nên thời đầu rất khó chịu” – Lâm tâm sự.
Thầy Doãn Huy Hùng (giáo viên lớp 5) kể, nhiều năm nay học sinh người Dao phải sống trong những căn nhà ẩm thấp, chật hẹp, nhưng các em luôn vượt khó để kiếm con chữ. “Tháng trước trời mưa xối xả cả tuần, nên các em không đến lớp được. Chúng tôi phải cắt cử giáo viên, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các em. Khi chứng kiến nhà ở của em Lâm, ngập tràn trong biển nước, chúng tôi không kiềm chế được nước mắt. Các em là tấm gương sáng hiếu học cho nhiều học sinh phải noi theo” – thầy Hùng kể.
Cách đó không xa là nơi ở của em Đặng Chòi Lường (học sinh lớp 4) và 6 em khác từ lớp 1 đến lớp 3. Căn nhà rộng hơn 10m2, chủ nhân là ông Lý Văn Tòng (74 tuổi – thôn E291, xã Đắk Môl). Ông Tòng cho biết, ngày xưa căn nhà dùng để bỏ nông sản, khi biết các em nhỏ đang cần nhà, gia đình để lại cho các em học sinh ở.
Đã gần 11 giờ trưa, học sinh đã tan tầm ai về nhà đó. Lường hôm nay được về sớm, nên em đang chuẩn bị các vật dụng chuẩn bị nấu ăn. Thức ăn chuẩn bị cho bữa trưa hôm nay cũng khá đơn giản, có 2 món chính là cải sắp xào và khoai lang luộc. Là người nhiều tuổi nhất, Lường phải kiêm nhiệm từ việc nấu nướng cho đến việc hướng dẫn các em học, hằng ngày thức các em dậy đến trường.
“Những ngày này mưa nhiều, trong thôn không có ai đi chợ, nên chúng em có gì ăn nấy. Cứ đến cuối tuần bố mẹ ra thăm, mang theo nhiều thịt cá và áo quần. Ở đây, chúng em quen sống như thế này rồi” – Lường tâm sự.
40 em học sinh người Dao sinh sống ở tiểu khu 1097, xã Đắk Môl. Từ điểm trường về nơi ở cách nhau chừng 15km, giao thông bằng đường đất nên không thể ra vào thường xuyên. Mọi người vẫn quen gọi, vào tiểu 1097 là bước vào cổng trời.
“Người dao sinh sống ở tiểu khu 1097 hàng chục năm nay. Do di dân tự do, nên đến nay toàn tiểu khu mới chỉ có 6 hộ/100 hộ được cấp sổ đỏ. Số còn lại được lưu trú dài hạn. Về mùa mưa, các em học sinh được bố mẹ chở ra điểm trường để học. Có những em 1 tuần được về nhà một lần, nhưng đa số cả tháng trời mới được bố mẹ ra đón. Đường đi vào đó, dù cách 15km nhưng ra vào không hề đơn giản. Nhất là về mùa mưa này, muốn vào đó phải có người dẫn đường và xe bánh phải cuốn xích” – ông Mai cho biết.
Cần lắm nơi ở bán trú
Điểm trường tiểu học Trần Bội Cơ nằm vắt vẻo trên ngọn đồi tại thôn thôn E291, xã Đắk Môl. Điểm trường có 4 phòng học, 5 giáo viên chủ nhiệm và 4 giáo viên dạy chuyên môn. Thầy cô giáo lên lịch học cho các lớp khoa học và được sắp xếp buổi sáng học sinh lớp 1, lớp 4 và lớp 5; buổi chiều lớp 3 và lớp 4.
Những em học sinh người Dao được sắp xếp học chung ở tất cả các lớp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các em không được đào tạo bậc mầm non, nên việc tiếp cận ngôn ngữ phổ thông giai đoạn đầu rất khó khăn. Cô Nguyễn thị Minh Trang (giáo viên lớp 1) bộc bạch: “Các em lớp 1 do không học mẫu giáo nên khi dạy các em đọc, viết rất khó khăn. Do vậy cô giáo, cùng với những em học sinh khác luôn kềm cặp các em nhanh chóng đọc viết thành thạo”.
Điểm trường Tiểu học Trần Bội Cơ được xây dựng từ năm 2000, do các nhà hảo tâm ở TP. Hồ Chí Minh tài trợ. Do được xây dựng từ lâu, đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp, giáo viên và học sinh thiếu thốn trăm bề.
Theo quan sát, nhà trường dù có nhà vệ sinh, nhưng không sử dụng được do không có nước. Mặc dù đã khoan được giếng có nước, nhưng chưa sử dụng được do nhà thi công khi lắp đặt bồn chứa nước không đúng kĩ thuật. Điều đặc biệt hơn, điểm trường không có nơi lưu trú cho học sinh ở xa. Điều này dẫn đến việc, 40 học sinh người Dao phải đi thuê ở những nơi ở chật chội và ẩm thấp.
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, hiệu trưởng trường tiểu học Trần Bội Cơ tâm sự, mặc dù sống trong điều kiện khó khăn, nhưng các em học sinh người Dao luôn chăm học, vượt khó trong cuộc sống. “Chúng tôi kính mong các tổ chức xã hội hỗ trợ kinh phí cho nhà trường xây dựng nơi ở bán trú cho các em, cũng như nơi sinh hoạt của thầy cô giáo” – cô Yến nói.
Trí Tín
Đăng nhận xét