Dân trí Qua kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong 10 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM phát hiện rất nhiều mẫu rau, thịt, thủy sản “ngậm” chất cấm.
Theo thống kê trong 10 tháng đầu năm 2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở đã lấy tổng cộng 2.641 mẫu, trong đó có 539 mẫu rau - củ - quả, 1.415 mẫu thịt gia súc gia cầm và 687 mẫu thủy sản. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 214/2.635 mẫu vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, 6/533 mẫu rau quả chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; 129/1.415 mẫu chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; và 79/687 mẫu thủy sản.
Trong quá trình thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt 313 trường hợp (trồng trọt 8 trường hợp, chăn nuôi 250 trường hợp và thủy sản 55 trường hợp) có hành vi cố tình sử dụng chất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng với số tiền khoảng 1,4 tỉ đồng.
Đáng lo ngại, các mẫu kiểm tra phát hiện có chất cấm chỉ có thể tiến hành xử lý hậu kiểm. Hiện cơ quan quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý bởi bằng mắt thường không thể nhận biết được các mẫu thực phẩm sai phạm. Khi nghi ngờ mặt hàng nào có chứa chất cấm, lực lượng kiểm tra đều phải lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm, định tính và định lượng loại chất sai phạm tồn tại trong sản phẩm. Việc kiểm nghiệm tốn nhiều thời gian nên khi cho ra kết quả cuối cùng thì các mẫu thực phẩm chứa chất cấm đã bị tiêu thụ hết.
Để ngăn chặn nguy cơ thực phẩm nhiễm chất cấm đến tay người tiêu dùng, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố cho biết, cùng với việc tăng cường kiểm tra tại chỗ ở các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh trên địa bàn, chúng tôi cũng xúc tiến các phương án hợp tác truyền thông, thanh kiểm tra tại những địa phương có nguồn hàng cung cấp cho thành phố để ngăn chặn tận gốc nguy cơ nguồn rau quả, gia súc gia cầm, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi bằng thức ăn nguy hại, hóa chất cấm.
Chuỗi thực phẩm an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn, quản lý từ trang trại đến bàn ăn là giải pháp mang tính chiến lược đang được thành phố triển khai với hy vọng sẽ cải thiện được chất lượng thực phẩm cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, muốn ngăn chặn được thực phẩm bẩn, các ban ngành liên quan của thành phố rất cần sự hợp tác của người dân bằng việc nói không với những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng; chỉ chọn mua và sử dụng những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng từ những thương hiệu uy tín để tránh những nguy hại cho sức khỏe.
Vân Sơn
Đăng nhận xét