Dân trí Đi qua hàng chục km đường rừng, vượt qua những con suối có độ dốc cao, hay leo cao chót vót trên những cột điện 500kV Bắc Nam, đây là chuyện thường ngày của những người lính truyền tải điện khu vực 2 trong mùa mưa lũ đang đến gần.
>> Những người thợ truyền tải điện ở lưng trời
>> EVN khẳng định đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt
Chia sẻ về công việc thường nhật của người lính truyền tải điện, anh Hồ Thành Công, công nhân 3/7, Truyền tải điện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế cho biết: Mùa mưa lũ, chúng tôi thường băng rừng, lội suối đảm bảo an toàn cho dòng điện tổ quốc... Đây là công việc thầm lặng, vất vả nhưng chúng tôi đã gắn bó hàng chục năm.
Hiện địa bàn quản lý của Truyền tải điện Khu vực 2 ở hai địa bàn thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Đây là địa bàn có địa hình, khí hậu rất phức tạp. Hầu hết các cột điện, đường dây nằm trên độ cao khoàng 500m so với mực nước biển, trải dài trên các đỉnh đèo, đỉnh núi quanh năm mây mù bao bủ của khối núi Bạch Mã.
Theo lãnh đạo Truyền tải Điện Khu vực 2, đường dây 500kV đi qua các đỉnh đèo như Phước Tượng, Phú Gia, Bạch Mã thuộc núi Bạch Mã, đèo Hải Vân. Nơi đây có địa bàn hiểm trở, độ dốc cao, thường xuyên có gió lốc, gió quản, khí hậu mưa nắng diễn biến thất thường. Đây là "kẻ thù" lớn nhất của ngành điện.
Theo kỹ sư Nguyễn Quang Thắng, đơn vị truyền tải điện Khu vực 2 cho biết, nhiệm vụ vận hành và đảm bảo an toàn của đôi là 4 mạch dây 500kV đi qua 4 dãy núi cao, có những dãy núi phải leo bộ gần nửa ngày đường hoặc trên 10 km mới đến được chân cột.
"Trên địa hình đồi dốc cao, trong tiết trời mưa lũ, anh em truyền tải điện vẫn phải bám đường dây, cột để đảm bảo không có nguy hiểm cho đường dây. Mùa mưa lũ, thường xuyên kiểm tra để phát hiện những bất thường. Nếu chỉ cần mưa to, sẽ có lũ rất nguy hiểm. Để đảm bảo cho an toàn, khi có mưa phải xuống dùng tời kéo dây. Anh em đi 3 - 4 ngày mới về 1 lần, đem cơm gạo muối theo, một số điểm đèo không có dân, những người thợ truyền tải phải tự nấu cơm ăn".
Kỹ sư Trần Ngọc Tâm, đội trưởng truyền tải điện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) cho biết: Đơn vị có 22 cán bộ trực tuyến và bảo vệ đường dây 500kV trục Bắc Nam, bình thường ngày nào cũng 20 công nhân đi rừng luân phiên kiểm tra đường dây. Các công việc là đảm bảo hành đường dây, kiểm tra cột điện, xử lý các sự cố vi phạm hành lang, lau dọn sứ tiếp dây...
"Mỗi tuần, có khoảng 1 đến 3 lần anh em đi kiểm tra hệ thống dây dẫn, trụ điện, cột điện và hành hang tuyến bảo vệ đường dây 500kV. Địa bàn chúng tôi toàn rừng núi, đèo cao, đi qua nhiều cánh rừng, nhiều con suối bằng đường bộ, rất vất vả. Nếu ở gần, công tác thuận lợi, thì sau kiểm tra anh em sẽ trở về đội ăn cơm, nhưng thường là ở qua ngày, tối mới về đội. Nếu có trục trặc, có thể phải ở 2 - 3 ngày trên tuyến là chuyện bình thường. Địa hình hiểm trở nên anh em thường phải đi nửa ngày đường mới lên được trụ điện, quá trình kiểm tra cũng mất nửa ngày. Anh em đều phải đem cơm hộp hoặc bố trí gạo, thịt, thức ăn để nấu ngay tại địa điểm kiểm tra", ông Tâm nói.
Theo anh Hồ Thành Công, công nhân 3/7, Truyền tải điện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế: Để đảm bảo đường dây vận hành ổn định, mỗi cá nhân đều phải hy sinh quyền lợi cá nhân, thậm chí phải tạm gác lại hạnh phúc gia đình.
"Công việc là công việc nên khi có sự cố không ai có thể thoái thác được. Nghề truyền tải điện, hết nóng lưng, ráo nước mưa mới yên tâm. Kỷ niệm lần đầu tiên, tôi nhớ nhất là tháng 8/2010, khi đi kiểm tra đường dây 500kV mạch 2, phát sinh sự cố thay sà bộ", anh Công cho hay.
Tuy nhiên, theo anh Công: "Do điều kiện khó khăn, đội công nhân được giao nhiệm vụ phải ở lại 3 tháng trời ở địa điểm thay thế. Ở trong rừng, mưa gió bão lũ, nhưng vì đảm bảo cho dòng điện, tổ 8 người chúng tôi phải lập nhà tạm 5 lần, chống chọi với những cơn lốc, gió thốc để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Khi công việc xong xuôi, tôi tưởng mình sẽ bỏ nghề nhưng vì dòng điện của tổ quốc, tôi đã cố gắng để làm việc trở lại. Giờ đây, trong vất vả, chúng tôi nhận lại niềm vui và tự hào".
Tại vị trí bắc đèo Hải Vân (địa phận Thừa Thiên Huế) có độ cao hơn gần 500m so với mực nước biển. Để lên được đến vị trí các cột điện, trụ điện. Người công nhân phải đi khoảng 8km xuyên rừng, qua nhiều địa bàn đường đèo hiểm trở.
Nguyễn Tuyền
Đăng nhận xét