Dân trí Lạm thu học đường là một câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ thôi nóng hổi trên các diễn đàn. Cứ vào đầu mỗi năm học, tình trạng lạm thu ở trường nọ trường kia lại bị báo chí chỉ mặt đặt tên. Nhưng vẫn chưa chấm dứt được những lùm xùm trong thu chi và hóa giải nỗi bức xúc của phụ huynh.
>> Phụ huynh tố trường thu “vượt mức”, trường bảo “đúng quy trình”
>> Tổ chức học thêm thu tiền, hiệu trưởng vẫn quanh co chối bỏ
>> Phê bình, rút kinh nghiệm hiệu trưởng trường thu “khủng” đầu năm
Ngay trên báo Dân trí, chúng ta đã từng ngỡ ngàng với các khoản thu đầu năm ở Trường THPT Thủ Thiêm (quận 12, TPHCM). Ngoài học phí, bảo hiểm, tiền bán trú thì danh mục các khoản thu còn dài dằng dặc với những con số ấn tượng gồm Quỹ cha mẹ học sinh, tiền hiện đại hóa phòng học, tiền học bơi, tạm thu hai buổi, tiền học chuyên đề tự chọn nâng cao, tiền hỗ trợ vệ sinh, tiền giấy thi, tiền sử dụng tin nhắn… Sau khi ban thanh tra vào cuộc xác minh, hiệu trưởng nhà trường đã thừa nhận sơ suất do nhầm lẫn một số khoản cũng như nóng vội thu đồng loạt và đã điều chỉnh.
Mới đây, chúng ta lại giật mình với các khoản thu từ Trường Tiểu học Minh Khai 2 (Thành phố Thành Hóa) với một danh sách các khoản phải nộp khá dài. Nào là tiền bán trú, ghế, áo đồng phục, sách mua nhà trường, kỹ năng sống, Chữ thập đỏ, quỹ đội, học tiếng Anh, quỹ cha mẹ học sinh, xã hội hóa giáo dục, ngoại khóa, phần mềm quản lý trường học Vndue, vệ sinh nhà trường, trông trẻ (dạy buổi chiều), hỗ trợ nhà bếp, giấy kiểm tra, vệ sinh lớp học, quỹ lớp, phô tô, máy chiếu, điều hòa, bảo hiểm y tế. Ngót nghét 7,5 triệu đồng mỗi cháu lớp 1 vào trường thì thật kinh khủng. Ban thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng vừa vào cuộc xác minh, kết luận và khiển trách hiệu trưởng về việc thu “khủng” đầu năm.
Nỗi hoài nghi, sự bức xúc và lời chỉ trích từ xã hội nhằm vào môi trường học đường quả là một nỗi đau lớn. Nhưng trước vấn nạn lạm thu như thế, chẳng ai có thể “bình chân như vại” trước cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”, phụ huynh phải còng lưng “cõng” học phí và phụ phí.
Học phí mỗi tháng vài chục nghìn không phải là quá nhiều nhưng phụ phí thì vô số kể. Mỗi trường có một kiểu “vận động” phụ huynh góp tay vào công tác giáo dục dưới nhiều hình thức. Tất cả đều nhằm phục vụ việc học tập của các cháu dưới danh nghĩa “quỹ”, “đóng góp”, “ủng hộ”. Và vỏ bọc “tự nguyện” thật sự là một lá chắn hữu hiệu.
Có trường yêu cầu phụ huynh kí vào cam kết “tự nguyện” nộp, có trưởng giơ tay biểu quyết nộp. Con số thống nhất bao giờ cũng tối đa. Vì sao ư? Lâu nay phụ huynh vẫn canh cánh một tâm lý cả nể, dè chừng bởi họ sợ nhiều thứ: Sợ con bị để ý, sợ mình bị chê cười,… Cho nên, dù các khoản nộp có nhiều và cao đi nữa thì cũng dễ dàng bấm bụng gật đầu, tặc lưỡi cho qua.
Vấn đề đặt ra ở đây là hiệu quả hoạt động của Hội Cha mẹ học sinh trong trường học. Lớp có ban đại diện của lớp, trường có ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường. Tất cả các khoản đóng góp “tự nguyện” mà mỗi trường thông qua đều có sự nhất trí, đồng tình cao của Hội Cha mẹ học sinh. Vậy những người được ưu ái bầu vào Hội không thấy sự bất thường trong các khoản nộp ư? Hay thấy mà không dám lên tiếng? Có lẽ câu trả lời nằm ngay ở câu hỏi thứ hai.
Trong khi Bộ GD&ĐT ra sức chỉ đạo công tác thu chi đầu năm học, các Sở GD&ĐT liên tục ra công văn chấn chỉnh tình trạng lạm thu thì những khuất tất trong vấn nạn thu chi học đường vẫn len lỏi. Đây chẳng phải là “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” ư? Rồi mỗi lúc báo chí vào cuộc phanh phui sự bất bình thường, vô lý và phi lý của nó thì chỉ mỗi việc trần tình, giải trình, điều chỉnh và rút kinh nghiệm? Muốn chống lạm thu học đường, hãy phá vỡ vỏ bọc “tự nguyện”!
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Đăng nhận xét