Dự án nâng cấp đường Quốc lộ 19 đi qua tỉnh Gia Lai và Bình Định do Công ty TNHH BOT 36.71 thuộc Tổng Công ty 36 – Bộ Quốc phòng xây dựng. Mới hoàn thành được gần 60km, đơn vị này đã đặt 2 trạm thu phí trong khi đoạn đường vừa làm xong xuống cấp, vá víu nhiều chỗ…
>> Bộ Giao thông Vận tải cam kết “đóng cửa” trạm BOT nếu thu phí gian lận!
>> Độc quyền BOT: Ăn gian 500 triệu đồng/ngày, dân è cổ đóng phí
>> Gian lận tại trạm thu phí BOT Uông Bí - Hạ Long
Quốc lộ 19 được đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp theo hình thức hợp đồng BOT. Đoạn đường có tổng chiều dài 56,7km được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng rộng 12m, tốc độ thiết kế 80km/giờ với tổng mức đầu tư sau thẩm định trên 2.045 tỷ đồng. Ngày 22.12.2013, dự án được khởi công, đến 31.12.2015 hoàn thành. Từ ngày 1.6, bắt đầu thu phí tại 2 trạm ở Gia Lai và Bình Định.
Tuy nhiên, đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều dài 23,3km (từ km108 đến km 131 + 300) chỉ sau 9 tháng hoàn thành đã xuất hiện nhiều điểm bong tróc. Theo ghi nhận của phóng viên, trên Quốc lộ 19 đoạn đi qua các xã Ayun, Đăk Ta Ley, H’Ra (huyện Mang Yang, Gia Lai) xuất hiện những vết rạn, sụt lún và bị vá dày đặc. Một số đoạn các mảng vá choán đến 1/3 chiều rộng con đường, có những đoạn các mảng vá nằm liên tiếp, chồng chéo lên nhau. Trên cả tuyến đường có đến hàng trăm điểm được đổ nhựa, vá chằng, vá đụp vết mới đè lên vết cũ…
Quan sát những lớp nhựa bị hư hỏng, cạnh những vị trí đã sửa chữa đang đổ ven đường có thể nhận thấy lớp nhựa rời rạc, một số mảng bê tông nhựa có chiều dài trên dưới 5cm, có lớp khoảng 7cm có thể dễ dàng bẻ gãy bằng tay không… Ông Nguyễn Quốc Dương- tài xế xe khách tuyến Bình Định – Gia Lai bức xúc: “Giá vé cao ngất ngưởng, nhưng cả tuyến chỉ làm được gần 60km mà đặt tới 2 trạm thu phí. Đường vừa làm xong đã vá víu chằng chịt như vậy có xứng đáng với số tiền chúng tôi bỏ ra để trả lệ phí đường bộ hay không?”.
Hàng trăm điểm vá víu trên đoạn đường thu phí. Ảnh: Đ.N
Theo ghi nhận của phóng viên, trên Quốc lộ 19 đoạn đi qua các xã Ayun, Đăk Ta Ley, H’Ra (huyện Mang Yang, Gia Lai) xuất hiện những vết rạn, sụt lún và bị vá dày đặc.
Trao đổi với phóng viên, ông Vương Chí Thiện- Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (thuộc Tổng Công ty 36) cho rằng, các điểm bị hư hỏng là những điểm được khoan cắt để lấy mẫu kiểm tra, lúc lấp lại chưa cẩn thận nên nước mưa ngấm xuống, xe đi qua lại thì phá ra. Khi phóng viên chất vấn, không chỉ ở những điểm được khoan lấy mẫu mà cả đoạn đường có rất nhiều điểm bị hư hỏng, ông Thiện nói phải kiểm tra thì mới đánh giá được. “Nhìn thì thế thôi, nhưng nếu so với tổng thể cả con đường thì chỉ là cục bộ một vài vị trí. Tài xế người ta đi không phản ánh gì cả” – ông Thiện nói và cho biết độ dày lớp thảm nhựa đề làm theo tiêu chuẩn đã được các đơn vị kiểm định, nghiệm thu, khi thi công cũng được giám sát chặt chẽ, đúng quy trình…
Tuy nhiên, một giám đốc doanh nghiệp từng tham gia thi công đoạn đường này cho biết, có thể do có nhiều đơn vị cùng thi công nên vật liệu dùng làm đường không đồng nhất, không đảm bảo chất lượng. Nếu trong cùng một tuyến mà các mẫu vật liệu đồng nhất, đảm bảo thì sẽ không có chuyện xảy ra hư hỏng nhanh như vậy.
Theo Đăng Nhật
Dân Việt
Đăng nhận xét